Tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa, tạo thuận lợi cạnh tranh cho doanh nghiệp author10:19 19/02/2025
22/02/2025
3 Lượt xem
Ngành sữa Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Ảnh TTXVN.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành sữa Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh thực phẩm cho nước nhà. Các doanh nghiệp ngành sữa đã chủ động, sáng tạo tìm hướng đi thích hợp như đầu tư công nghệ mới, thiết bị dây chuyền sản xuất chế biến hiện đại, áp dụng thành công các tiêu chuẩn, quy chuẩn,… để tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao và uy tín đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.
Chuyên gia khẳng định, việc nắm bắt nhanh chóng các tiêu chuẩn liên quan tạo thuận lợi cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành sữa, đồng thời xây dựng niềm tin mạnh mẽ đối với người tiêu dùng. Theo đó, TCVN 13805:2023 về Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa đưa ra các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc.
Các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác định trong tiêu chuẩn này đối với chuỗi cung ứng sữa và sản phẩm sữa bao gồm: cơ sở chăn nuôi; cơ sở cung cấp nguyên liệu; cơ sở vận chuyển và logistic; cơ sở chế biến; nhà phân phối; cơ sở bán lẻ.
TCVN 13805:2023 nêu rõ, sữa có thể trải qua nhiều lần “biến đổi” trước khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Sản phẩm cần được truy xuất nguồn gốc trên tất cả các cấp bao gói khác nhau. Các đối tượng truy xuất bao gồm cả sản phẩm rời và đã được bao gói, thùng cac-tông, thùng chứa có thể tái sử dụng được dùng để vận chuyển và dùng cho các phương tiện vận chuyển.
Việc ghi nhãn thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng phải phù hợp quy định pháp luật hiện hành và yêu cầu của đối tác thương mại. Sử dụng thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng để ghi nhãn phụ thuộc vào loại sản phẩm như sau:
Sữa tươi: ghi nhãn ngày sản xuất; Sản phẩm sữa chế biến tiếp theo: nếu quy trình sử dụng làm thay đổi hạn sử dụng của sản phẩm (ví dụ: gia nhiệt hoặc cấp đông sản phẩm) thì ghi nhãn ngày bao gói; Sữa bao gói lại: dạng sản phẩm này không thay đổi về hạn sử dụng hữu ích của sản phẩm, do đó cần ghi nhãn ngày sản xuất ban đầu; Sản phẩm dành cho người tiêu dùng nên ghi nhãn hạn sử dụng cuối cùng và hạn sử dụng tốt nhất.
Mặt khác, biện pháp thực hành tốt nhất cho các nhà cung cấp, cơ sở bán lẻ, cơ sở chế biến, nhà bán buôn, nhà phân phối và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần nắm bắt tất cả thông tin có thể truy xuất nguồn gốc hiện hành và lưu giữ thông tin đó trong hệ thống, bằng cách quét thông tin trực tiếp từ vỏ hộp và/hoặc mã vạch vật phẩm tiêu dùng để duy trì khả năng truy xuất nguồn gốc.
Hồ sơ cần được duy trì và sẵn có liên quan đến việc sản xuất và phân phối sản phẩm sữa, cũng như nguyên liệu đầu vào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nhanh chóng về nguồn trước đó và chuyển tiếp cho những bên nhận tiếp theo, cần xác định tác động bất lợi đã biết hoặc có thể xảy ra đối với sức khỏe người tiêu dùng. Cần sử dụng hồ sơ để thu hồi sản phẩm kịp thời và hiệu quả, nếu biết hoặc xác định được các tác động bất lợi có thể xảy ra đối với sức khỏe người tiêu dùng.