Trung Quốc chế tạo thành công vật liệu giá rẻ giúp loại bỏ 99,8% vi nhựa khỏi nước
12/12/2024
1573 Lượt xem
Trong thời đại hiện đại, một vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng đó là sự xuất hiện của những hạt vi nhựa. Chúng đã xâm nhập vào môi trường tự nhiên, từ đại dương sâu thẳm cho đến nơi chúng ta sống hàng ngày.
Hạt vi nhựa là một loại hạt nhỏ với kích thước chỉ khoảng 5mm, chúng rất nhỏ và khó nhìn thấy bằng mắt thường. Điều này khiến chúng dễ bị trộn lẫn trong nhiều sản phẩm như thực phẩm, nước uống, muối ăn và nhiều thứ khác. Hạt vi nhựa có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Hạt vi nhựa, hay còn gọi là microplastic, là những mảnh nhựa nhỏ được tìm thấy trong môi trường. Chúng có đường kính nhỏ hơn 5mm. Có hai nguồn gốc chính gây ra hạt vi nhựa. Thứ nhất, chúng có thể được sản xuất chủ động trong kích thước nhỏ, được sử dụng trong các sản phẩm như kem đánh răng, tẩy tế bào chết và nhiều sản phẩm khác. Thứ hai, chúng có thể hình thành từ quá trình phân hủy các mảnh nhựa lớn hơn trong môi trường.
Hạt vi nhựa có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Ảnh minh họa
Hạt vi nhựa đã được phát hiện tồn tại khắp nơi trên thế giới, bao gồm đại dương, sông, đất và các môi trường khác, thậm chí cả trong cơ thể con người. Điều đáng lo ngại là con người có thể ăn/hít phải chúng mà không hề nhận ra, dẫn đến nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe, bao gồm tăng tỉ lệ ung thư, thai nhi phát triển kém hay khả năng sinh sản thấp hơn.
Với nhu cầu sử dụng nhựa ngày càng tăng, môi trường đang chịu áp lực ngày càng lớn từ sự gia tăng lượng chất thải nhựa. Ước tính hàng năm có khoảng 8,8 triệu tấn chất thải nhựa được đưa vào đại dương. Ngoài ra, có 276.000 tấn nhựa đang trôi nổi trên bờ biển, trong khi còn những phần khác đã chìm hoặc dạt vào bờ.
Đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu để tìm ra giải pháp loại bỏ hạt vi nhựa. Một trong những nghiên cứu mới đây nhất đó là các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển thành công một dạng bọt biển có thể loại bỏ tới 99,8% vi nhựa lẫn trong nước. Nghiên cứu đột phá này mở ra giải pháp tiết kiệm chi phí để giải quyết ô nhiễm từ các hạt nhựa được cho là có hại cho sức khỏe con người.
Công nghệ bọt biển giá rẻ dựa trên 2 loại sinh khối bền vững là chitin và cellulose được dùng làm chất hấp phụ. Ban đầu, các nhà khoa học chiết xuất chitin từ mực ống, và cellulose từ sợi bông. Hai chất này được kết hợp với nhau, tạo thành dạng vật liệu có tên Ct-Cel, với đặc tính loại bỏ vi nhựa khỏi nước.
Theo công bố trên tạp chí Science Advances, vật liệu thành công loại bỏ 89,9- 99,8% polystyrene khỏi nước trong các mẫu có nồng độ khác nhau. Phương pháp này cũng tỏ ra hiệu quả trong việc chiết xuất các loại vi nhựa khác, như polymethyl methacrylate, polypropylene và polyethylene terephthalate.
Đáng chú ý, khả năng thu giữ vi nhựa của vật liệu hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của các chất xúc tác phổ biến, chẳng hạn như kim loại nặng, vi sinh vật hay các chất ô nhiễm hữu cơ.
Trong thử nghiệm của mình, các nhà nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của miếng bọt biển đối với các loại mẫu nước khác nhau, từ nước tưới tiêu nông nghiệp, nước hồ, nước máy sinh hoạt và nước ở vùng ven biển.
Theo các nhà nghiên cứu, phát minh này mang đến một giải pháp mới và bền vững cho vấn đề ô nhiễm vi nhựa, vì vật liệu có thể được tái chế và vẫn giữ được hơn 95% khả năng hấp thụ sau nhiều lần sử dụng.