Trung Quốc khởi động dự án hệ gene sinh vật đơn bào
18/02/2020
97 Lượt xem
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa khởi động chương trình lập bản đồ hệ gene của 10.000 loài đại diện và xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gene sinh vật đơn bào trên quy mô lớn.
Dự án được tiến hành nhờ những nỗ lực hợp tác của Viện Sinh vật học Thủy sinh thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), ĐH Tây Tạng, ĐH Nông nghiệp Hồ Nam, Viện Nghiên cứu Thú y Lan Châu thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Cấu trúc Gene (cũng thuộc CAS) và ĐH Khoa học Công nghệ Hoa Trung (Vũ Hán).
Sinh vật đơn bào có cơ thể được cấu tạo chỉ từ một tế bào, bao gồm protozoan (nhóm động vật nguyên sinh) và single alga (tảo đơn). Khoa học hiện mới chỉ mô tả được khoảng 60.000 loài đơn bào, và số lượng các loài chưa biết là rất khó ước tính.
Sinh vật đơn bào không chỉ đóng vai trò là thành phần quan trọng đối với hệ sinh thái nước, mà còn là nguồn thức ăn tuyệt vời, rất giàu dinh dưỡng cho các loài thủy sinh và con người. Tuy nhiên, hiện tượng “tảo nở hoa” cũng gây không ít vấn đề nghiêm trọng về môi trường, khiến sông hồ, đại dương nhiễm độc. Bên cạnh đó, một số sinh vật đơn bào khác cũng là tác nhân bệnh học ký sinh trên cơ thể người, gia súc và các loài thủy sinh, chẳng hạn plasmodium (ký sinh trùng sốt rét).
Thế giới hiện vẫn chưa có chương trình lập bản đồ hệ gene sinh vật đơn bào quy mô lớn nào được xúc tiến. Mãi gần đây, dữ liệu gene của khoảng 400 loài mới được công bố trong một nghiên cứu – TS. Miao Wei, phó giám đốc Viện Sinh vật học Thủy sinh (thuộc CAS) cho biết.
Các nhà khoa học Trung Quốc sẽ tiến hành giải trình tự gene của 3000 loài eukaryotic (sinh vật nhân thực) và động vật nguyên sinh – được những cơ sở tham gia dự án lưu giữ, đồng thời thu thập thêm nhiều mẫu khác (lên đến 10.000). Theo kế hoạch, các công việc về cơ bản sẽ được hoàn tất trong 3 năm.
Nếu thành công, kết quả thu được sẽ giúp nhân loại có thêm hiểu biết về cơ chế đa dạng sinh học, nguồn gốc và sự tiến hóa của các sinh vật đa bào, cũng như hiện tượng sinh sản hữu tính, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, an toàn dinh dưỡng và kiểm soát dịch bệnh.