Úc: Tạo liên minh doanh nghiệp-đại học để dẫn dắt chuyển đổi công nghiệp
16/12/2020
57 Lượt xem
Đó là kinh nghiệm mà Úc đã rút ra trong nhiều năm hợp tác với Đức để chuyển đổi các ngành công nghiệp của mình.
Đức là quốc gia khởi nguồn của khái niệm “Công nghiệp 4.0”, khi trong bản kế hoạch hành động “Chiến lược công nghệ cao đến năm 2020” được thông qua vào năm 2012 nhắc tới việc phát triển công nghệ, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.
Sự ra đời của Công nghiệp 4.0 tại Đức đã thúc đẩy các nước tiên tiến khác như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ phát triển các chương trình tương tự nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN4).
Nhận thấy lợi thế và nhu cầu nguồn nhân lực của Đức, một nước phát triển khác có nền khoa học và khả năng đào tạo không kém cạnh là Úc đã quyết định hợp tác để cùng phát triển công nghệ mới.
“Quá trình này đến nay đã hơn 7 năm. Chúng tôi đã cùng thiết lập và vận hành mạng lưới các Trung tâm Công nghiệp 4.0 tại Úc và các chương trình thí điểm về công nghệ kỹ thuật số, vốn đang góp phần chuyển đổi toàn diện các ngành sản xuất thông qua hợp tác ba bên giữa chính phủ, doanh nghiệp và khu vực hàn lâm”, GS Aleks Subic, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Phó giám đốc phụ trách Đổi mới kỹ thuật số - Đại học RMIT, chia sẻ tại tọa đàm "Chiến lược Việt Nam - Úc: Hợp tác phát triển Công nghiệp 4.0" do Bộ KH&CN phối hợp với Đại học RMIT tổ chức ngày 11/12.
Mặc dù trước đó một số trường đại học ở Úc đã có mối quan hệ quốc tế với các tập đoàn toàn cầu, bao gồm các doanh nghiệp của Đức, tuy nhiên, theo GS Subic, thỏa thuận hợp tác quốc tế năm 2016 giữa hai quốc gia đã khiến hợp tác song phương trở nên chặt chẽ hơn. Sau một vài năm xây dựng các chiến lược và nhóm công tác chung, Úc đã từng bước định hình được khung triển khai công nghiệp 4.0 của mình.
Có nhiều khía cạnh quan trọng để Úc chuyển đổi, trong đó giáo dục và đào tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
“Mô hình của Đức trong Công nghiệp 4.0 không chỉ là việc thực hiện các quản lý nhà nước mà còn là sự kết hợp của doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo để dẫn dắt sự thay đổi trong cả xã hội”, ông Jeff Connelly, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty Siemens ở Úc và New Zealand, nhấn mạnh.
Theo đó, các tập đoàn Đức (chủ yếu là sản xuất) đã liên kết với trường đại học tại Úc để xây dựng một loạt hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm đổi mới sáng tạo và chương trình đào tạo đáp ứng kỹ năng sẵn sàng làm việc theo nhu cầu mới. Những liên minh như trung tâm công nghiệp số đổi mới sáng tạo Siemens - RMIT - Festo đã mở ra giải pháp cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tập đoàn lớn.
Các chuyên gia Úc đánh giá rất cao vai trò của những nhóm công tác đặc nhiệm pha trộn nguồn lực của hai nước trong việc làm cầu nối. Thông qua việc phát hành các báo cáo, họ không chỉ giúp theo dõi và định hướng cho các doanh nghiệp trong ngành mà còn giúp Chính phủ Úc thực hiện các đề xuất mới về công nghiệp 4.0. Những buổi gặp gỡ, đối thoại thường niên và hoạt động trải nghiệp doanh nghiệp trong khuôn khổ làm việc chung đã tăng cường khả năng hiểu biết công nghệ mới và cơ hội hợp tác sâu hơn.
Bài học của Đức và Úc trong việc liên kết khu vực công nghiệp với khu vực học thuật có thể là mô hình đáng học hỏi cho Việt Nam. Trên thực tế, trong nước đã xuất hiện những ví dụ tương tự. Chẳng hạn, "Phòng thí nghiệm công nghiệp 4.0" đặt tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM do Siemens tài trợ được đại diện Bộ Công Thương đánh giá là "hiệu quả và có khả năng nhân rộng" khi giúp Trường trong vòng một năm đào tạo được hơn 2.200 sinh viên thuộc 4 lĩnh vực cơ khí, công nghệ điện, điện tử và công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, phần lớn các trường và doanh nghiệp trong nước thừa nhận còn rất nhiều điều phải vượt qua để có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác viện trường - doanh nghiệp hiệu quả, nhất là trong bối cảnh tư duy đầu tư cho công nghiệp 4.0 vẫn còn rụt rè và nhiều mô hình liên kết mới đang ở giai đoạn thí điểm.
Trao đổi với các chuyên gia quốc tế tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, “Việt Nam có cách tiếp cận rất thận trọng vì không phải là quốc gia đi đầu về công nghệ hay CMCN4.0”. Để tham gia chủ động vào cuộc đua này, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra rằng cần phải "mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược có trình độ KH&CN tiên tiến", ông nói.