Ứng dụng AI và dữ liệu vệ tinh tìm kiếm tàu đánh cá sử dụng lao động cưỡng bức
18/01/2021
147 Lượt xem
Bằng cách kết hợp kiến thức chuyên môn về khoa học dữ liệu với giám sát vệ tinh, đầu vào từ các nhà thực hành nhân quyền và thuật toán máy học, các nhà khoa học thuộc Đại học California tại Santa Barbara đã phát triển một phương thức để dự đoán liệu một tàu cá có nguy cơ cao đang sử dụng lao động cưỡng bức hay không.
Đánh cá ở vùng biển quốc tế (vùng biển nằm ngoài phạm vi chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển) là một điều bí ẩn. Những khu vực biển mở này thường được xem là những ngư trường nặng nhọc, thu lợi thấp, nhưng ngư dân vẫn cứ làm việc ở đó.
Tôi* là một nhà khoa học dữ liệu môi trường, chuyên sử dụng dữ liệu và kỹ thuật phân tích để trả lời các câu hỏi quan trọng về quản lý tài nguyên tự nhiên. Trở lại năm 2018, các đồng nghiệp của tôi tại Phòng thí nghiệm Giải pháp Thị trường Môi trường đã phát hiện ra rằng đánh bắt cá ở hải phận quốc tế là một nỗ lực gần như không mang lại lợi ích gì. Điều này đúng ngay cả khi xét đến khía cạnh trợ cấp của chính phủ.
Tuy nhiên, rất đông ngư dân vẫn tiếp tục đánh bắt trên vùng biển quốc tế, cho thấy nguồn tài chính mà họ thu về không chỉ đến từ trợ cấp của chính phủ.
Lao động cưỡng bức là một vấn đề muôn thuở trong đánh bắt cá ngoài vùng biển quốc tế, nhưng lâu nay rất khó để theo dõi. Bí ẩn này – tại sao rất nhiều tàu đánh cá ở biển quốc tế dù hoạt động này không có lãi – khiến nhóm nghiên cứu của chúng tôi nghĩ rằng có thể nhiều tàu trong số này, theo một nghĩa nào đó, đã tận dụng chi phí lao động thấp. Các chi phí này thậm chí có thể bằng không nếu các tàu sử dụng lao động cưỡng bức.
Bằng cách kết hợp kiến thức chuyên môn về khoa học dữ liệu của nhóm chúng tôi với giám sát vệ tinh, đầu vào từ các nhà thực hành nhân quyền và thuật toán máy học, chúng tôi đã phát triển một cách để dự đoán liệu một tàu cá có nguy cơ cao đang sử dụng lao động cưỡng bức hay không. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có tới 100.000 cá nhân có thể là nạn nhân của lao động cưỡng bức từ năm 2012 đến năm 2018 trên những con tàu này.
Hành vi đáng ngờ của các tàu
Tổ chức Lao động Quốc tế định nghĩa lao động cưỡng bức (forced labor) là “tất cả các công việc hoặc dịch vụ mà một người phải thực hiện dưới sự đe dọa hoặc hình phạt nào đó, theo đó họ hoàn toàn không tự nguyện.” Về cơ bản, nhiều người trong số những người lao động này có thể bị bắt làm nô lệ, không thể nghỉ việc, bị mắc kẹt giữa biển cả. Đáng buồn thay, giới đánh cá ghi nhận lao động cưỡng bức như một vấn đề lớn, nhưng mọi người vẫn chưa nhìn nhận đúng mức độ trầm trọng của vấn đề.
Nhóm nghiên cứu của chúng tôi muốn bàn thêm về việc sử dụng lao động cưỡng bức trong ngành thủy sản đã diễn ra như thế nào, và bước ngoặt đã đến khi chúng tôi đặt ra một câu hỏi quan trọng – là cơ sở để thúc đẩy dự án này: Đâu là điểm khác biệt có thể nhận thấy trong cách hành xử của tàu sử dụng lao động cưỡng bức so với các tàu bình thường khác?
Để lý giải điều này, trước hết chúng tôi xem xét 22 tàu từng sử dụng lao động cưỡng bức. Chúng tôi thu thập dữ liệu theo dõi vệ tinh hành trình của họ từ Global Fishing Watch – một tổ chức phi lợi nhuận sử dụng dữ liệu đánh bắt gần thời gian thực để thúc đẩy tính bền vững trên biển – và sử dụng dữ liệu đó để tìm điểm chung trong cách các tàu này hoạt động. Để có thêm thông tin về những gì cần lưu ý trong dữ liệu giám sát vệ tinh, chúng tôi đã gặp gỡ các nhóm nhân quyền, bao gồm Liberty Shared, Greenpeace và Quỹ Công lý Môi trường, để xác định trong số những hành vi này đâu là hành vi tiềm ẩn nguy cơ cưỡng bức lao động.
Danh sách hành vi đáng ngờ của một con tàu bao gồm những hành vi như dành nhiều thời gian ở vùng biển quốc tế, rời xa cảng hơn các tàu khác và đánh bắt nhiều giờ hơn mỗi ngày so với các tàu khác.
Vậy là chúng tôi đã biết rõ các hành vi ‘rủi ro’ báo hiệu khả năng sử dụng lao động cưỡng bức. Nhóm của chúng tôi, với sự trợ giúp của các nhà khoa học dữ liệu của Google, đã sử dụng các kỹ thuật máy học để tìm kiếm các mẫu hành vi tương tự trong hàng nghìn tàu khác.
Con số quá lớn
Chúng tôi đã kiểm tra dữ liệu 16.000 tàu cá từ năm 2012 đến năm 2018. Trong số đó, từ 14% đến 26% tàu có hành vi đáng ngờ, cho thấy nhiều khả năng họ đang bóc lột lao động. Điều này có nghĩa là trong sáu năm đó, có thể đã có tới 100.000 người là nạn nhân của lao động cưỡng bức. Chúng tôi không rõ liệu những con tàu đó có còn hoạt động hay không. Nhưng theo Global Fishing Watch, tính đến năm 2018, có gần 13.000 tàu hoạt động trong các đội đánh cá bằng dây câu cá biển (rất dài lên tới vài dặm, có hàng trăm mồi câu và bắt tất cả các loại cá ở đại dương), lưới rà, máy câu mực.
Tàu dùng máy câu mực có tỷ lệ cao nhất trong số các tàu có hành vi cho thấy khả năng sử dụng lao động cưỡng bức, theo sau là các tàu đánh cá bằng dây câu cá biển, và ở mức độ thấp hơn là tàu dùng lưới rà.
Một phát hiện quan trọng khác trong nghiên cứu của chúng tôi là vi phạm lao động cưỡng bức có thể xảy ra ở tất cả các vùng biển lớn, cả ở hải phận quốc tế lẫn phạm vi quyền hạn quốc gia. Trong năm 2018, các tàu có rủi ro cao thường xuyên cập bến các cảng ở 79 quốc gia, trong đó chủ yếu ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Bên cạnh đó, các tàu khả nghi này cũng thường cập bến Canada, Hoa Kỳ, New Zealand và một số nước châu Âu. Các cảng này vừa nổi tiếng bởi nguồn lao động tiềm năng có thể khai thác, vừa là điểm trung chuyển hải sản đánh bắt bởi lao động cưỡng bức.
Hiện tại, mô hình của chúng tôi vẫn cần được thử nghiệm thêm trong thực tế. Bằng cách để mô hình đánh giá các tàu đã bị phát hiện sử dụng lao động cưỡng bức, nó đã đánh dấu các tàu đáng ngờ với độ chính xác lên tới 92%. Trong tương lai, nhóm chúng tôi hi vọng sẽ xác thực và cải thiện mô hình hơn nữa bằng cách thu thập thêm thông tin về các trường hợp lao động cưỡng bức đã phát hiện.
Biến dữ liệu thành hành động
Chúng tôi tin rằng phát hiện này có thể bổ sung thông tin cho những nỗ lực nhằm chống vi phạm nhân quyền hiện có, và thúc đẩy tính minh bạch của chuỗi cung ứng thủy sản. Khi chúng tôi nhận được thêm nhiều dữ liệu quan trọng và cải thiện độ chính xác của mô hình, chúng tôi hi vọng rằng nó có thể được sử dụng để giải phóng các nạn nhân của lao động cưỡng bức trong nghề đánh cá, cải thiện điều kiện làm việc và giúp ngăn chặn vi phạm nhân quyền từ sớm.
Chúng tôi hiện đang làm việc với Global Fishing Watch để xác định các cơ quan thực thi, các nhóm lao động có thể sử dụng kết quả này trong việc kiểm tra tàu. Những cuộc kiểm tra này không chỉ giúp bắt tội phạm, mà còn cung cấp thêm dữ liệu để đưa vào mô hình, cải thiện độ chính xác của nó.
*Tác giả là Gavin McDonald, nhà nghiên cứu lâu năm thuộc Đại học California tại Santa Barbara