Ứng dụng công nghệ hạt nhân trong ứng phó ô nhiễm rác thải nhựa
19/11/2024
6 Lượt xem
Chương trình ứng dụng công nghệ hạt nhân trong kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa (NUTEC Plastics) đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khởi xướng từ năm 2020, nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên tích hợp các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Chương trình được xây dựng dựa trên các dự án nghiên cứu và hợp tác kỹ thuật của IAEA với các quốc gia thành viên và các tổ chức liên quan về tái chế nhựa bằng công nghệ bức xạ, giám sát vi nhựa bằng kỹ thuật đánh dấu đồng vị. Bài viết chia sẻ về triển vọng ứng dụng công nghệ hạt nhân trong ứng phó với ô nhiễm rác thải nhựa, qua đó mở ra khả năng chuyển hóa chất thải nhựa thành tài nguyên có thể tái sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ô nhiễm nhựa là vấn đề không chỉ có ở từng quốc gia, mà là một trong những thách thức cấp bách nhất hiện nay đối với vấn đề môi trường, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững trên toàn cầu. Theo Báo cáo “Triển vọng nhựa toàn cầu năm 2022” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) [1], thế giới đang thải ra lượng rác thải nhựa gấp đôi so với 2 thập kỷ trước, phần lớn trong số đó sẽ được đưa đến bãi chôn lấp, đốt hoặc rò rỉ ra môi trường, chỉ có 9% được tái chế thành công. Theo Báo cáo trên, rác thải nhựa được tạo ra khoảng 221 kg/người/năm ở Hoa Kỳ, 114 kg/người/năm ở các nước thuộc OECD và châu Âu, ở Nhật Bản và Hàn Quốc là 69 kg/người/năm. Hầu hết ô nhiễm nhựa xuất phát từ việc thu gom và xử lý không đầy đủ các mảnh vụn nhựa, trong đó rò rỉ vi nhựa (polymer tổng hợp có đường kính ≤5 mm) từ những thứ như viên nhựa công nghiệp, hàng dệt tổng hợp, vạch kẻ đường, lốp xe mòn… Hầu hết các loại nhựa đang được sử dụng hiện nay đều là nhựa nguyên sinh, hoặc nhựa sơ cấp được làm từ dầu thô hoặc khí đốt. Sản lượng nhựa toàn cầu từ nhựa tái chế hoặc nhựa thứ cấp đã tăng gấp 4 lần (từ 6,8 triệu tấn vào năm 2000 lên 29,1 triệu tấn vào năm 2019, nhưng con số này vẫn chỉ chiếm 6% tổng sản lượng nhựa). Năm 2019, 6,1 triệu tấn rác thải nhựa đã rò rỉ vào môi trường nước và 1,7 triệu tấn chảy vào đại dương. Đến năm 2022, ước tính có khoảng 30 triệu tấn rác thải nhựa ở biển và đại dương, ngoài ra còn có 109 triệu tấn nữa đã tích tụ ở các con sông.