Các nhà khoa học thuộc Đại học bang Michigan (MSU), Hoa Kỳ đã tạo ra một ứng dụng để đo huyết áp trên điện thoại iPhone có độ chính xác cao mà không cần dùng thêm bất cứ thiết bị nào khác.
Được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học do GS. Ramakrishna Mukkamala thuộc Khoa Kỹ thuật điện và Máy tính của MSU đứng đầu, sáng tạo này đã được đăng trên tạp chí khoa học Scientific Reports.
GS. Mukkamala cho biết, bằng cách sử dụng cảm biến quang học và cảm ứng lực dùng cho chức năng chụp ảnh chân dung và 3D Touch trên điện thoại iPhone, nhóm nghiên cứu đã biến iPhone thành một công cụ theo dõi và kiểm tra huyết áp ở bất kỳ nơi nào. Mục tiêu của sáng tạo này nhằm nâng cao nhận thức và kiểm soát tỷ lệ người bị bệnh cao huyết áp, giúp giảm tỷ lệ người mắc và tử vong do bệnh tim mạch.
Trong một ấn bản của tạp chí Science Translational Medicine xuất bản vào đầu năm nay, nhóm nghiên cứu của GS. Mukkamala đã đề cập đến một ứng dụng để đo huyết áp bằng cảm biến quang học và cảm ứng lực, tạo ra một thiết bị cạnh tranh với các thiết bị đo huyết áp tiêu chuẩn trên thị trường.
Tuy nhiên, với những tiến bộ của điện thoại thông minh hiện nay, ứng dụng đo huyết áp mới không còn phải đi kèm với các thiết bị cảm biến quang học và cảm ứng lực tách rời như ban đầu. Hai cảm biến này đã được tích hợp sẵn trong điện thoại iPhone và một số dòng máy Android.
Nếu công việc tiếp tục tiến triển như tốc độ hiện tại, ứng dụng đo huyết áp trên điện thoại iPhone sẽ được ra mắt vào cuối năm 2019.
"Cũng giống như thiết bị, ứng dụng cần phải được đánh giá theo một số thử nghiệm tiêu chuẩn.Và vì không cần sử dụng bất kỳ phần cứng nào đi kèm, nên chúng tôi tin rằng ứng dụng sẽ có tốc độ tiếp cận với cộng đồng nhanh hơn", GS. Mukkamala nói.
Tuy bệnh cao huyết áp có thể được cải thiện bằng cách thay đổi lối sống và tuân thủ việc sử dụng thuốc, nhưng chỉ có khoảng 20% người bệnh có thể kiểm soát được tình trạng huyết áp của họ. Vì vậy, giải pháp này sẽ giúp bệnh nhân thuận tiện hơn trong việc lựa chọn phương pháp đo và theo dõi chính xác huyết áp trung bình của cơ thể mỗi ngày, GS. Mukkamala bổ sung.
Nghiên cứu này được tài trợ một phần từ Viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ.