Ứng dụng KH-CN trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu
02/05/2018
169 Lượt xem
Những năm gần đây, thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng trực tiếp đến BR-VT và các tỉnh phía Nam. Nhờ ứng dụng KH-CN, nhiều khu vực ven sông, biển đã giảm hẳn tình trạng sạt lở, người dân ở vùng nhạy cảm với BĐKH yên tâm hơn để sinh sống, sản xuất và kinh doanh.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 10 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh BR-VT, biển xâm thực diễn ra nhanh và mạnh hơn. Khu vực bờ biển xói lở nghiêm trọng đa phần gần cửa sông lớn, có dòng chảy ven bờ phức tạp như: Hồ Tràm - Hồ Cốc, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Lộc An (huyện Đất Đỏ); Trại Nhái (TP.Vũng Tàu)… Từ tháng 4 đến tháng 12 (âm lịch) hàng năm là khoảng thời gian biển xâm thực dữ dội nhất. Để ứng phó, nhiều DN du lịch đã tự xây kè chắn sóng. Khu vực gần khu biệt thự resort Rừng Dương (ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) nằm phía đầu nhánh sông Cửa Lấp là một trong 6 điểm được Sở KH-CN xác định là có mức độ sạt lở cao trong tỉnh. Bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Rừng Dương cho biết, năm 2008 khi xây dựng khu biệt thự resort Rừng Dương, biển đã xâm thực vào đất dự án của công ty khoảng 31m chiều ngang và 213m chiều dọc, tổng diện tích đất bị nước biển cuốn trôi khoảng 7.000m2. Trước thực trạng này, năm 2015, DN đầu tư khoảng 40 tỷ đồng xây dựng kè chắn sóng dài khoảng 200m, sử dụng công nghệ mềm Stabiplage (của Pháp) được gia cố bởi cọc cừ Polyme. Sau khi sử dụng giải pháp Stabiplage thì hiện tượng xói lở đã giảm, nhờ đó công ty yên tâm đầu tư xây dựng biệt thự và các dịch vụ phụ trợ cho resort để đón khách du lịch.
Mới đây, Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT (Busadco) đã ký kết với Công ty CP nhựa Tân Đại Hưng (TP. Hồ Chí Minh) để xây dựng 40 căn nhà phòng chống thiên tai (PCTT), (50 triệu đồng/căn) cho những hộ nghèo, khó khăn về nhà ở của 2 tỉnh Cà Mau và Bến Tre nằm trong vùng nhạy cảm với thiên tai. Theo đó, những căn nhà PCTT này được xây dựng bằng vật liệu bê tông cốt phi kim lắp ghép cách âm, cách nhiệt, chống thấm bằng công nghệ của Busadco. Theo ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Busadco, nhà làm bằng vật liệu bê tông cốt phi kim có khối lượng nhẹ hơn các vật liệu truyền thống cùng các đặc tính chống ăn mòn, xâm thực; có khả năng chịu được gió mạnh, nắng nóng; an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc; nhà ở phải bảo đảm tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng)... Ngoài ra, vật liệu này còn có ưu điểm dễ thi công, lắp dựng, độ bền cao, thân thiện với môi trường, giảm ít nhất 30% chi phí so với các giải pháp xây dựng truyền thống.
Trước đó, rất nhiều giải pháp KH-CN của Busadco đã được ứng dụng hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cho công tác ứng phó với BĐKH. Đặc biệt, trong số đó có cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, PCTT và ứng phó BĐKH” được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016. Cụm công trình này gồm 36 sản phẩm đang được ứng dụng tại 48/63 tỉnh, thành trên cả nước. Tất cả các sản phẩm đều giúp giảm ít nhất 20% chi phí so với giải pháp truyền thống.
Ngoài những giải pháp trên, những năm gần đây Sở KH-CN cũng có nhiều mô hình, dự án ứng dụng KH-CN trong PCTT và ứng phó với BĐKH như: Lắp đặt 121 mô hình chống sét đánh thẳng và lan truyền trên đường điện cho các hộ dân và các công trình công cộng (trụ sở UBND xã, trạm y tế xã, phường) chủ yếu là ở khu vực nông thôn ở các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức; hay công trình kè mềm công nghệ Stabiplage ở bờ biển Lộc An… Được biết, giai đoạn 2018-2020, Sở KH-CN tiếp tục triển khai nhiều đề tài, dự án trong lĩnh vực này như: Dự án xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phòng chống sét tại bãi biển TP. Vũng Tàu; xây dựng hệ thống chắn sóng, chống xói lở bờ biển, chống xâm nhập mặn…
Theo Bộ KH-CN, trước tác động của BĐKH, thiên tai có xu hướng cực đoan hơn cả về tần suất, cường độ và không theo quy luật, từ những năm 2000, Bộ KH-CN đã cùng với các bộ, ngành liên quan xây dựng các chương trình KH-CN trọng điểm liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Theo đó, có nhiều giải pháp, công nghệ được đề xuất và ứng dụng vào thực tế nhằm PCTT, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra như: Ứng dụng các công nghệ sửa chữa nâng cao an toàn đập cho các hồ chứa vừa và nhỏ tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ; Ứng dụng công nghệ trong xây dựng hệ thống cảnh báo cho các cụm ngầm tràn khi xảy ra lũ quét; Sử dụng công nghệ GIS và viễn thám xây dựng hệ thống bản đồ phục vụ cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất, giám sát, phát hiện sớm trượt lở đất đá…
Bộ KH-CN cho rằng, trước tác động của BĐKH, thiên tai khó lường, các DN KH-CN, địa phương, bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình nghiên cứu KH-CN phục vụ bảo vệ môi trường, PCTT và ứng phó với BĐKH.