Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một vật liệu mới có thể dùng ánh sáng để lọc nước an toàn và hiệu quả. Công trình nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Chem.
Từ trước nay, việc sử dụng ánh sáng để làm sạch nước vốn là phương pháp an toàn với môi trường, song các chất xúc tác cần thiết cho qua trình này thường làm từ kim loại, có thể gây ô nhiễm lần hai.
Các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu công nghệ thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc và Đại học Dương Châu mới đây đã phát minh ra chất xúc tác mới hiệu quả và không làm từ kim loại.
Họ đã sử dụng các tấm graphitic carbon nitride, một vật liệu hai chiều siêu mỏng với các tính năng điện từ phù hợp để hấp thụ ánh sáng và giải phóng ra các chất hóa học có gốc oxy. Kết cấu này tạo điều kiện cho phản ứng sản sinh ra nhiều hydrogen peroxide (oxy già), giúp tiêu diệt vi khuẩn một cách rất hiệu quả.
Kết quả cho thấy với chất xúc tác này, nước mang nhiều mầm bệnh có thể được làm sạch nhanh chóng trong 30 phút và khử trùng hiệu quả đến 99% sau khi được chiếu sáng. Vật liệu này cũng không để lại cặn kim loại nặng hay gây ô nhiễm môi trường lần hai.
Nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục phát triển vật liệu này trước khi đưa ra sử dụng cho mục đích thương mại. Các chuyên gia cân nhắc nghiên cứu khả năng hấp thụ hạt lượng tử, phát triển cấu trúc chống vi khuẩn của vật liệu này và cải thiện quá trình chuẩn bị tấm siêu mỏng.