Với công nghệ này, Nhà thờ Đức Bà Paris vừa bị cháy có thể trở về nguyên trạng
17/04/2019
114 Lượt xem
Các chuyên gia đang kỳ vọng bản đồ 3D khắc họa chi tiết cấu trúc Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ giúp ích cho việc khôi phục lại nhà thờ này sau vụ hỏa hoạn.
Sau trận hỏa hoạn lớn hôm 15/4 vừa qua, phần tháp nhọn và một phần mái vòm Nhà thờ Đức Bà Paris đã sụp đổ trong sự bàng hoàng của nhiều người dân Pháp và thế giới. Cũng có ý kiến cho rằng, công trình kiến trúc 850 năm tuổi này có thể sẽ biến mất mãi mãi sau khi nhiều phần quan trọng bị thiêu rụi.
Tuy nhiên, theo nhận định từ tờ báo Extremetech, trên thực tế các kiến trúc sư vẫn có thể khôi phục lại Nhà thờ Đức Bà Paris nhờ bản đồ 3D, bản quét laser 3D cấu trúc toà nhà này (được xây dựng trước khi nhà thờ bị cháy).
Cụ thể, vào năm 2015, tiến sĩ Andrew Tallon và các cộng sự đã xây dựng bản đồ 3D có độ chính xác cao về kiến trúc của công trình Nhà thờ Đức Bà Paris bằng công nghệ quét laser.
Để quét được bản đồ 3D nhà thờ, đội ngũ kỹ sư đã đặt máy quét lên một giá đỡ để thiết bị phát ra chùm laser nhằm đo khoảng cách từ máy tới mọi vị trí trong công trình. Mỗi phép đo như vậy được thể hiện bằng một điểm và tổng hợp của các điểm này tạo thành hình ảnh không gian ba chiều của nhà thờ. Khi thực hiện đúng quy trình, sai số chỉ là 5 mm. Ngoài việc lập bản đồ 3D, tiến sĩ Tallon còn chụp một bức ảnh toàn cảnh từ cùng vị trí đặt máy quét để đồng bộ các điểm laser với từng pixel trong ảnh. Có thể nói là bức ảnh toàn cảnh được ghi lại với độ chính xác rất cao. Tại Nhà thờ Đức bà Paris, ông đã quét từ hơn 50 vị trí bên trong và xung quanh nhà thờ, thu thập hơn một tỷ điểm dữ liệu.
Có thể thấy, mặc dù việc khôi phục lại phần hư hại của Nhà thờ Đức Bà Paris là rất khó khăn, nhưng sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghê in ấn 3D cũng như ngành công nghiệp game nói chung đã đem đến những tư liệu quý báu để các kiến trúc sư tận dụng cho nhiệm vụ này.
Được xây dựng từ thế kỷ 12, Nhà thờ Đức Bà Paris đã đứng vững qua hai cuộc thế chiến và những biến động thời thế ở châu Âu. Nhà thờ là nơi chứng kiến vua Henry VI của Anh lên ngôi, vua James V của Scotland cưới hoàng hậu Madeleine, hoàng đế Napoleon đăng cơ. Nhà thờ trở thành một biểu tượng bất diệt trong văn hóa đại chúng.
Theo các chuyên gia, sẽ cần rất nhiều tiền (ước tính ban đầu lên tới hơn 300 triệu euro) và vài thập kỷ để xây dựng lại cho tới khi nhà thờ dần lấy lại hình dáng và nét kiến trúc như trước.
Ông Eric Fischer, phụ trách dự án trùng tu nhà thờ 1.000 năm tuổi ở Strasbourg, thiệt hại sau vụ cháy tối 15/4 rất nặng nề nhưng may mắn là ở Pháp có rất nhiều chuyên gia cũng như kỹ thuật đáp ứng công việc đầy thách thức này.
Việc phục dựng đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn như các đợt trùng tu trước đây, do đó có thể kéo dài từ 10 đến 20 năm. Hơn thế nữa, việc lựa chọn vật liệu cũng không đơn giản nếu muốn xây dựng lại đúng những kết cấu gỗ như cũ.