Nhà sáng chế trẻ gốc Việt, Uyên Trần tìm ra phương pháp tái sử dụng phụ phẩm vỏ tôm kết hợp bã cafe thành chất liệu thay thế cho da thuộc.
Chloe Uyên Trần (29 tuổi) đang lên kế hoạch cùng những nhà đầu tư và cung cấp mang loại vải giả da mà cô đặt tên là TômTex trở về quê nhà.
Uyên Trần sinh ra tại Đà Nẵng, sống và làm việc ở Mỹ được 10 năm. Cô tốt nghiệp thạc sĩ ngành thiết kế thời trang tại Parsons The New School of Design, trường đại học chuyên về nghệ thuật và thiết kế lớn nhất tại New York, Mỹ.
Ý tưởng về vật liệu TômTex nhen nhóm từ chính những điều thân thuộc khiến Uyên nhớ về quê nhà. "Tôi lớn lên trong những bộ quần áo second-hand, đồ cũ bỏ đi từ các nước phương Tây", cô kể. Tình trạng ô nhiễm tại những bãi tập trung phế thải sản phẩm may mặc làm từ polyester và vải tổng hợp cùng quá trình làm việc với các loại da thật, da nhân tạo khiến Uyên trăn trở. "Loại vật liệu này sẽ không bị phân huỷ trong vòng 500 năm khi bị đào thải ra ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường", cô nói.
Chloe Uyên Trần, nhà sáng lập TômTex. Ảnh: NVCC
Mong muốn tìm ra một loại vật liệu thân thiện với môi trường, cô quyết định theo học thạc sĩ vật liệu sinh học tại trường Đại học thiết kế Parsons. Mất một năm mày mò, phiên bản đầu tiên của vật liệu TômTex ra đời.
Nhà thiết kế người Việt tại New York cho biết, chất liệu sinh học TômTex đến từ hai nguồn chính là chitin, được dẫn xuất từ vỏ hải sản và sợi nấm. Đầu tiên họ chiết xuất chitosan sau đó kết hợp với chất kết dính sinh học, đem trộn cùng chất màu tự nhiên như cafe. Hỗn hợp này đổ vào khuôn, phơi khô ở nhiệt độ phòng trong khoảng 2-3 ngày là có thể sử dụng. Quá trình này không cần nhiệt bởi thế tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải carbon.
Hợp chất được tạo ra có thể tùy chỉnh để giống với da, cao su hay nhựa bằng cách điều chỉnh tỷ lệ và cách sản xuất.
Thành phẩm da được làm từ vỏ hải sản và bã cafe. Ảnh: NVCC
Điểm đặc biệt của TômTex là tạo nên từ 100% thành phần có nguồn gốc sinh học mà không phải qua quá trình thuộc da. Quá trình này để xử lý da của động vật, làm vật liệu bền hơn và khó bị phân hủy hơn, tuy nhiên gây suy thoái môi trường do sử dụng những hóa chất độc hại. Vật liệu được dùng để làm quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện, đồ nội thất, dụng cụ và thiết bị thể thao. Khi hết tuổi thọ, sản phẩm có thể được tái chế hoặc tự phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Uyên cho biết, việc tìm ra vật liệu không chỉ đến từ khát vọng thành công còn đến từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình tạo nên. "Tôi muốn tạo dựng được doanh nghiệp đề cao giá trị con người và đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên hàng đầu", cô nói.
Loại vải do cô tạo ra nhận các giải thưởng trong làng thời trang thế giới như LVMH Innovation Award (giải thưởng ủng hộ các sáng kiến và ý tưởng đổi mới), quán quân CFDA K11 Innovation dành cho tư duy thiết kế sáng tạo trong các hệ thống thời trang bền vững từ hiệp hội Thời trang Mỹ (CFDA)...
TômTex đang ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển, nhận đầu tư 1,7 triệu USD với trị giá công ty 10 triệu USD. Uyên cho biết, năm qua là một năm khó khăn với cô và nhiều người. "Tôi cũng khá chật vật trong việc thành lập công ty, nhưng tôi cảm thấy may mắn khi vẫn nhận được sự ủng hộ và quan tâm", cô nói với VnExpress.
Cho rằng bản thân là lạc quan, sáng tạo và kiên trì, Uyên chia sẻ mong muốn góp phần phát triển cho nền công nghiệp nước nhà trong tương lai.