Áo bảo hiểm dành cho người đi xe máy đầu tiên của Việt Nam
10/09/2018
162 Lượt xem
Với mối quan tâm lớn đối với an toàn giao thông, ba kỹ sư trẻ tốt nghiệp từ Đại học Bách khoa Hà Nội đã quyết định bỏ công việc ổn định ở các công ty lớn để dành toàn bộ thời gian và vốn liếng nghiên cứu và sản xuất phiên bản Việt hóa đầu tiên của chiếc áo bảo hiểm dành cho người đi xe máy.
Bỏ việc để nghiên cứu áo bảo hiểm
Ý tưởng về chiếc áo bảo vệ dành cho người đi xe máy xuất hiện khi Nguyễn Trọng Xuyên, thạc sỹ cơ điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ tai nạn liên quan đến xe máy. Khi làm thiết kế tại hãng ôtô Nissan, anh thấy ôtô luôn được thiết kế có sẵn túi khí “bảo hiểm” để bảo vệ người lái, còn với những người tham gia giao thông bằng xe máy, thiết bị duy nhất bảo vệ họ chỉ là chiếc mũ bảo hiểm.
Lên mạng tìm hiểu, Nguyễn Trọng Xuyên nhận thấy ở nước ngoài cũng có một số sản phẩm áo bảo vệ dành cho người đi xe máy, anh nhờ một người bạn đặt mua ở Nhật với giá khoảng 9 triệu đồng/áo và rủ hai bạn đồng môn là Nguyễn Văn Long (lúc đó đang làm việc cho một công ty ở miền Nam) và Nguyễn Văn Phượng (đang làm việc cho Tập đoàn FPT) cùng “mổ xẻ” chiếc áo và phân tích xem liệu mình có thể làm được chiếc áo tương tự không.
Khi bóc tách sản phẩm để nghiên cứu, họ nhận thấy sản phẩm nước ngoài không phù hợp với người Việt vì áo có kích thước lớn so với cơ thể và trọng lượng người Việt; ngoài ra, áo chủ yếu hướng tới những người sử dụng xe phân khối lớn.
“Chúng tôi phải tính toán lại hệ thống kích hoạt túi khí để phù hợp với trọng lượng cơ thể người Việt. Có thể hình dung, với sản phẩm của nước ngoài, cần một lực lớn (trọng lượng cơ thể) mới có thể kích hoạt được (ví dụ như sản phẩm của Nhật cần trọng lượng cơ thể khoảng 80kg để kích hoạt) nhưng với người Việt, trọng lượng cơ thể chỉ khoảng 50kg. Vậy với một lực tác động nhẹ như thế làm thế nào để túi khí có thể kích hoạt được. Khi đó chúng tôi phải tính toán rất cẩn thận, lựa chọn các chi tiết bên trong sao cho phù hợp” – Nguyễn Trọng Xuyên phân tích.
Ngay lập tức Xuyên, Long, Phượng đồng loạt xin nghỉ việc, bắt đầu hành trình nghiên cứu sản phẩm áo bảo vệ dành cho người đi xe máy ở Việt Nam. Sau gần một năm mày mò, sáng tạo, 3 kỹ sư trẻ đã chính thức trình làng sản phẩm “made in Vietnam” vào tháng 6/2018.
Áo bảo hiểm VTE dành cho người đi xe máy “made in Vietnam”. Ảnh: Nguyễn Trọng
Tốn 2 tỷ để mua bài học xương máu
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, ba chàng lính ngự lâm phải học mới gần như 100%, bởi theo anh Xuyên, những kiến thức được học chỉ như muối bỏ biển. Họ phải học may, tìm hiểu về chất liệu vải, loại chỉ, khuôn, túi khí…
“Mục tiêu của chúng tôi là làm áo bảo hiểm không chỉ dành cho những người đi xe phân khối lớn hay cho những người đi phượt mà dành cho đại đa số người dân. Để làm ra cái áo được mọi người chấp nhận thì nó phải đáp ứng các tiêu chí như chống nắng, chống chống nước và chống mài mòn tốt. Mà loại vải đáp ứng cả ba yêu cầu trên, trên thị trường chưa có nên chúng tôi phải đặt vải riêng” – anh Xuyên kể với Khoa học và Phát triển.
Tuy nhiên, khi nguyên liệu đã có, mọi thứ đã sẵn sàng, công việc cuối cùng là tìm xưởng may để gia công áo tưởng đơn giản hóa ra lại là khó khăn nhất. “Do chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc nên chúng tôi đã bị lừa” – giọng trùng xuống, Xuyên nhớ lại: "Sau một thời gian tìm kiếm các đối tác để gia công áo, chúng tôi vui mừng vì tìm được một công ty may ở Hải Dương. Chúng tôi phấn khởi, giao hết nguyên phụ liệu, vải vóc cho công ty đó. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau vài ngày, khi xuống kiểm tra, chúng tôi bất ngờ không thấy nguyên liệu của mình đâu, hỏi ra mới biết họ chuyển cho một xưởng may nhỏ để gia công. Tệ nhất là họ may sai hết cả đơn hàng vài trăm áo, mà đó lại là những sản phẩm đầu tiên. Nhìn mà xót nhưng chúng tôi không thể làm gì được. Thiệt hại khi đó khoảng gần 200 triệu đồng. Tinh thần của ba anh em xuống dốc kinh khủng."
Khi được hỏi, các bạn đã phải trả bao nhiêu “phí” để có được những bài học xương máu, Nguyễn Trọng Xuyên vui vẻ nói: "Chúng tôi dám không hạch toán những chi phí đó vì nhìn những con số thì đau lắm, cảm giác không còn động lực để làm. Chúng tôi động viên nhau cố gắng tiếp tục làm, không chùn bước, không từ bỏ đam mê. Đến nay chi phí bỏ ra cũng đã lên tới 2 tỷ đồng."
Chiếc áo ba trong một
Áo bảo hiểm VTE được thiết kế với hệ thống túi khí bên trong gồm có bình khí và một sợi dây kết nối hệ thống túi khí với chiếc xe máy đang sử dụng và hoạt động như một bộ đệm để hấp thụ lực va chạm và giảm nguy cơ chấn thương cho người mặc. Áo sẽ được kích hoạt khi khoảng cách từ người mặc áo đến chiếc xe họ đang điều khiển vượt quá “khoảng cách kích hoạt”. Khi người điều khiển xe ngã xuống, sợi dây nối hệ thống túi khí với chiếc xe sẽ kích hoạt bình khí trong thời gian 0,2 giây (lúc cơ thể bạn chưa kịp va chạm với mặt đường), bình khí sẽ mở ra và giải phóng khí CO2 vào túi khí làm cho nó phồng lên tức thì, bảo vệ những bộ phận quan trọng của cơ thể như ngực, gáy, lưng và hông của người điều khiển.
“Tuy nhiên, điều này không hàm ý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người điều khiển xe” – anh Xuyên nhấn mạnh và lưu ý, áo bảo hiểm sẽ không bị kích hoạt trong điều kiện lái xe thông thường, bao gồm cả việc người điều khiển đứng lên.
Áo được làm với chất liệu 100% polyester với chỉ tiêu chống tia UV cao nhất UPF50+, không hấp thụ nhiệt, nên có chức năng như một chiếc áo chống nắng, đồng thời cũng giống một chiếc áo mưa vì không thấm nước
Anh Nguyễn Ngọc Quý - khách hàng của áo bảo hiểm VTE, đánh giá cao những tính năng của sản phẩm: "Công việc của tôi thường xuyên đi ngoài đường, tôi thấy khá thoải mái khi mặc chiếc áo này, không có cảm giác nóng. So với mẫu áo bảo hiểm bán ở nước ngoài vốn cồng kềnh, hầm hố, chỉ phù hợp với dân chơi xe máy phân khối lớn, thì chiếc áo bảo hiểm VTE được thiết kế nhẹ nhàng như một áo khoác chống nắng, có kích cỡ khác nhau, khá thời trang và tiện sử dụng với mọi người tham gia giao thông."
“Một ưu điểm nổi bật của sản phẩm là giá thành chỉ gần 2 triệu đồng/áo, bằng 1/5 so với sản phẩm của nước ngoài. VTE muốn làm ra một chiếc áo bình dân, nhiều người có thể tiếp cận và sử dụng áo để an toàn hơn khi tham gia giao thông” – Xuyên nói
Sau khi ra mắt tháng 6/2018, sản phẩm áo bảo vệ VTE đã nhận được nhiều quan tâm và phản hồi từ người dùng qua các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, 3 kỹ sư trẻ vẫn mong muốn tiếp tục hoàn thiện sản phẩm trong thời gian tới để giảm trọng lượng của áo (hiện trọng lượng áo là 1,2kg) và sẽ có những sản phẩm dành riêng cho nam, nữ, trẻ em với nhiều màu sắc khác nhau.