Mô hình quản lý là khung lý thuyết hướng dẫn cách tổ chức thực hiện công việc quản trị, xác định mục tiêu, phân bổ nguồn lực và phối hợp hoạt động nhằm đạt được kết quả đề ra. Trong thực tế, các tổ chức luôn đồng thời theo đuổi nhiều mục tiêu liên quan đến chất lượng, hiệu quả, môi trường, an toàn, kinh doanh liên tục, đổi mới và khả năng thích ứng,…
Các tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) công bố được thừa nhận rộng rãi toàn cầu như là các mô hình giúp tổ chức quản lý có hiệu lực và hiệu quả hoạt động của mình để đạt được mục tiêu. Bên cạnh những hệ thống quản lý phổ biến như ISO 9001 (hệ thống quản lý chất lượng), ISO 14001 (hệ thống quản lý môi trường), ISO 45001 (hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp),... những năm gần đây ISO đã phát triển nhiều tiêu chuẩn mới nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng trong môi trường hoạt động của tổ chức.
Tính đến nay tổng số tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý là 100 tiêu chuẩn, trong đó:
- 45 tiêu chuẩn loại A: quy định yêu cầu đối với hệ thống quản lý. Trong đó có nhóm tiêu chuẩn có thể áp dụng cho mọi loại hình tổ chức ở các lĩnh vực khác nhau (như hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn thông tin, đổi mới,…) và nhóm tiêu chuẩn cho lĩnh vực cụ thể như giáo dục; chăm sóc sức khỏe y tế; an toàn thực phẩm; dầu mỏ, hóa dầu và khí thiên nhiên,…
- 55 tiêu chuẩn loại B: hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý và các kỹ thuật hỗ trợ, không được sử dụng làm chuẩn mực chứng nhận.
Các tiêu chuẩn hệ thống quản lý có thể được chia thành các nhóm như mô tả ở Hình 1.
Thực tiễn áp dụng tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các hệ thống quản lý phổ biến như ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001 đã được áp dụng rộng rãi và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Với những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh quốc tế và trong nước, xu hướng toàn cầu mới về phát triển bền vững, cũng như định hướng phát triển của quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý mới là những công cụ hữu hiệu giúp các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực đổi mới, nâng cao khả năng thích ứng, đạt được mục tiêu phát triển bền vững của mình.
Một tiêu chuẩn mới đáng chú ý là ISO 18091, hướng dẫn chính quyền địa phương áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001. ISO 18091 cung cấp công cụ để chính quyền địa phương có thể đo lường mức độ thực hiện các dịch vụ công của mình thông qua 39 chỉ số quản lý chính sách công phản ánh những sản phẩm và dịch vụ điển hình thường được chính quyền địa phương cung cấp, chia theo 4 nhóm:
1. Thể chế điều hành tốt
2. Phát triển kinh tế bền vững
3. Phát triển xã hội toàn diện
4. Phát triển môi trường bền vững
Các chỉ số gắn với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Qua việc áp dụng ISO 18091, chính quyền địa phương có thể đánh giá kết quả hoạt động, xác định khu vực cần cải tiến thích hợp với nguồn lực và đặc thù, định hướng phát triển của địa phương; sau đó thông qua hệ thống quản lý chất lượng của mình để đạt được các mục tiêu cải tiến kết quả thực hiện các chỉ số. Điều này giúp xây dựng chính quyền đáng tin cậy, thúc đẩy phát triển cộng đồng bền vững và tương tác hiệu quả với chính sách quốc gia.
Từ năm 2023, một số địa phương tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai tiêu chuẩn này, tiêu biểu như:
- TP.Hải Phòng: năm 2023 có 12 đơn vị; năm 2024 có 16 đơn vị hành chính triển khai.
- TP.Huế: 4 đơn vị hành chính triển khai trong hai năm 2023–2024.
- Một số địa phương khác như Quảng Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai,… cũng triển khai áp dụng, phổ biến và tập huấn tiêu chuẩn này.
Hình 2 dưới đây thể hiện kết quả tự đánh giá việc thực hiện 39 chỉ số của Quận Hải An, Thành phố Hải Phòng:
Tự đánh giá kết quả thực hiện 39 chỉ số quản lý chất lượng tổng thể tại quận Hải An, TP.Hải Phòng.
Xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn quản lý mới
Trước yêu cầu chuyển đổi số và phát triển bền vững, các tiêu chuẩn như ISO 27001 (hệ thống quản lý an toàn thông tin), ISO 50001 (hệ thống quản lý năng lượng), ISO 22301 (hệ thống quản lý kinh doanh liên tục), ISO 56001 (hệ thống quản lý đổi mới), ISO 42001 (hệ thống quản lý AI) đang nhận được nhiều quan tâm tại Việt Nam.
Bảng tổng hợp dưới đây đưa ra các số liệu về số chứng chỉ hệ thống quản lý của Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát mới nhất năm 2023 do ISO thực hiện (ISO Survey 2023). Các tiêu chuẩn được nêu là các tiêu chuẩn được công bố từ 2018 trong số các tiêu chuẩn được ISO khảo sát.
Dù là quốc gia đang phát triển, Việt Nam có thứ hạng khá cao về số lượng chứng chỉ hệ thống quản lý, số chứng chỉ có xu hướng tăng đều qua các năm. Riêng ISO 27001 giảm vào năm 2022–2023 do chuyển đổi sang phiên bản mới, nhưng trong tương lai sẽ tiếp tục tăng do yêu cầu từ thị trường và chuyển đổi số.
Một số tiêu chuẩn hệ thống quản lý mới cần quan tâm, thúc đẩy áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới
Các tiêu chuẩn mới được ISO công bố gần đây có ý nghĩa đặc biệt về mặt xã hội, cần được thúc đẩy áp dụng tại Việt Nam:
- ISO 7101:2023 – Hệ thống quản lý chất lượng trong chăm sóc sức khỏe y tế
- ISO 20121:2024 – Hệ thống quản lý sự kiện bền vững
-ISO 37001:2025 – Hệ thống quản lý chống hối lộ
Bên cạnh đó, ISO 56001:2024 – Hệ thống quản lý đổi mới – được xem là công cụ quan trọng giúp tổ chức, doanh nghiệp tăng cường khả năng thích ứng, vượt qua thách thức trong bối cảnh biến động.
Hệ thống quản lý đổi mới theo ISO 56001 được xây dựng trên nền tảng 8 nguyên tắc cốt lõi: Tạo giá trị, Lãnh đạo hướng tới tương lai, Định hướng chiến lược, Văn hóa đổi mới, Hiểu biết sâu sắc, Quản lý sự không chắc chắn, Khả năng thích ứng, Cách tiếp cận hệ thống. Tiêu chuẩn này cung cấp khuôn khổ triển khai đổi mới toàn diện, là công cụ giúp tổ chức, doanh nghiệp xây dựng khả năng thích ứng, vượt qua những thách thức trong thế giới luôn biến động.