An ninh quốc phòng, tài nguyên môi trường, dịch vụ cho người dân là ba lĩnh vực TP HCM cần ưu tiên phát triển, theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy.
Làm việc với lãnh đạo, đại diện các sở ngành TP HCM về đề án "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thành phố giai đoạn 2020 - 2030" chiều 2/4, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, định hướng phát triển AI có mục tiêu lớn, nhưng khi triển khai thực hiện phải làm cụ thể, các giải pháp giải quyết vấn đề rõ ràng.
"Công nghệ thông tin hay trí tuệ nhân tạo bản thân nó không tạo ra giá trị mà phải gắn với những lĩnh vực khác, cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước", ông Duy nói. Các sản phẩm trí tuệ nhân tạo gắn với các vấn đề cấp thiết từ nhu cầu trong nước, sau đó phát triển tiềm lực và vươn ra thế giới. "Việt Nam không đặt mục tiêu quá cao siêu như đi đầu về AI hay hình thành công nghiệp trí tuệ nhân tạo hàng đầu".
Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ về ba lĩnh vực ưu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP HCM, chiều 2/4. Ảnh: Hà An.
Từ thực tế này, Thứ trưởng Duy đưa ra ba lĩnh vực trước mắt cần ưu tiên ứng dụng AI. Đầu tiên là an ninh quốc phòng tạicác đô thị lớn như thành phố cần quan tâm. Ví dụ giám sát quản lý đô thị, phát hiện tai nạn giao thông, tụ tập đông người, trộm cắp, hoạt động phòng chống tội phạm thông qua hệ thống camera... giúp cơ quan quản lý phát hiện, tìm kiếm người vi phạm.
Dẫn minh chứng tại nhiều nước trên thế giới, khi cần tìm người vi phạm, chỉ cần đưa ảnh, trong một phút là có thể tìm ra vị trí người đó thông qua hệ thống camera liên thông. Trong khi đó việc truy xuất thông tin trên camera trong nước thực hiện khá thủ công, mất nhiều thời gian. Ông Duy cho rằng, ứng dụng AI trong an ninh quốc phòng sẽ hỗ trợ việc truy xuất thông tin hiệu quả, tuy nhiên "phải tự chủ công nghệ trong nước".
Sử dụng AI cung cấp các dịch vụ cho người dân là một hướng đi mà ông Duy đề cập, cụ thể ởcác lĩnh vực về chăm sóc sức khỏe, tài chính, dịch vụ công. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khám bệnh từ xa cũng là những nhu cầu cấp thiết mà người dân có nhu cầu.
Trong quản lý tài nguyên môi trường có thể hướng tới ứng dụng AI quản lý đất đai, hiện trạng các thửa đất, quản lý xây dựng theo quy hoạch, giấy phép... AI cũng giúp việc quản lý trên các thửa ruộng người dân đang trồng cây gì, giúp quản lý, hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng như tài nguyên khoáng sản.
Theo ông Duy, việc đầu tư giải pháp ứng dụng AI cần đảm bảo ba yếu tố về dữ liệu, nhà cung cấp giải pháp và nhu cầu thật sự của cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp. Để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, ông mong muốn TP HCM thí điểm liên quan chương trình đặt hàng. Dựa trên các vấn đề cấp thiết thành phố đặt ra, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia giải quyết. Nhà nước bỏ ra vốn mồi để đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm với những giải pháp chưa từng có trên thị trường.
"Nếu không có chương trình đặt hàng, tạo cơ chế để họ có sản phẩm đầu ra thì không thể có những sản phẩm tốt về trí tuệ nhân tạo", ông Duy nói và gợi ý TP Thủ Đức với định hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ phải là nơi có cơ chế thử nghiệm công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, xe tự hành... Cần tạo điều kiện cấp giấy phép nhanh để thử nghiệm sản phẩm.
Đồng quan điểm, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, tầm nhìn về nghiên cứu, phát triển về trí tuệ nhân tạo phải lớn, nhưng khi triển khai thực hiện phải làm những việc nhỏ, giải quyết từng vấn đề và có kết quả rõ ràng, cụ thể. Khi đã minh chứng tính hiệu quả bằng những giải pháp nhỏ, mới có cơ sở làm những dự án lớn hơn.
Ông mong muốn cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ thảo luận, đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù, xin thí điểm về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực.
"Bộ Khoa học và Công nghệ hãy xem TP HCM như một địa phương để đặt hàng, thí điểm thực hiện bài toán trong việc hiện thực hóa chiến lược về trí tuệ nhân tạo quốc gia", ông Đức nói và cho biết thành phố sẵn sàng chia sẻ nguồn lực để cùng thực hiện với Bộ.