Ba ý tưởng xuất phát từ sinh viên và nhà khoa học trẻ sẽ được triển khai lâu dài tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Sau gần 4 tháng triển khai, cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một Đại dương không nhựa” do UNESCO hợp tác triển khai với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An tổ chức, dưới sự tài trợ của Quỹ Coca-Cola Foundation đã thu hút được 25 ý tưởng sáng tạo từ thanh niên và các nhà khoa học trẻ.
6 ý tưởng xuất sắc nhất đã lọt vào vòng chung kết diễn ra hôm 11/12 tại Hà Nội, trong đó 3 ý tưởng nhận giải Nhất với phần thưởng tiền mặt trị giá 70 triệu đồng để hiện thực hóa ý tưởng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An:
1- Green River: Máy thu gom rác tự động trên mặt nước WSCA1.0
Máy thu rác trên sông | Nguồn: UNESCO
Máy hoạt động trên mặt nước sông, hồ tĩnh và mặt biển sóng nhẹ với chức năng chính là thu những rác nhựa và rác trôi nổi trên bề mặt nước hoặc dưới mặt nước 20cm. Chạy bằng động cơ sử dụng năng lượng mặt trời, tích hợp bộ điều khiển không dây từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc nâng cấp GPS để tự tìm rác, thiết bị này có thể thu từ 50 – 75kg rác/lần. Địa điểm áp dụng tại Vịnh Cửa Đại – TP. Hội An, bao gồm khu vực cửa sông và cầu cảng.
Nhóm nghiên cứu với các thành viên đến từ nhiều trường đại học ở Việt Nam và Thái Lan cho biết đang phát triển một mô hình có kích thước lớn hơn và sử dụng vật liệu bền hơn để ứng dụng ở những vùng sóng lớn. Họ đang liên kết với trung tâm sáng tạo của ĐH Cần Thơ để đánh giá hiệu quả mô hình và chi tiết kĩ thuật.
Bên cạnh đó, một trong những tính năng đang được nghiên cứu là sử dụng công nghệ camera quan trắc được lập trình AI để nhận dạng rác nổi và camera 360, từ đó xây dựng nội dung đa phương tiện thực tế ảo VR. Green River hi vọng đây không chỉ là sản phẩm khoa học công nghệ hướng đến giải quyết bài toán rác thải trên sông mà còn đóng vai trò là một “Đại sứ công nghệ truyền thông về môi trường”
2- Làng Chài Bình Yên: Bẫy rác từ lưới đánh cá cũ và kinh nghiệm địa phương
Bẫy rác từ ngư cụ cũ | Nguồn: UNESCO
Ý tưởng được khơi nguồn từ vùng biển Quy Nhơn với cảm hứng nghề lưới đăng truyền thống của ngư dân Nhơn Lý. Trên thực tế, ngư dân đi đánh cá bằng lưới truyền thống ở tầng nước mặt gần bờ trục vớt được rất nhiều rác, thậm chí tương đương số cá vào mùa cao điểm dòng nước mạnh.
Sáng kiến “Bẫy rác” sử dụng chính là các lưới đánh cá cũ, dựa theo quy luật sóng gió và dòng hải lưu để gom rác trôi nổi trên biển. Các bẫy lưới có thể được thiết kế với chiều dài túi rác từ 3-5m, duy trì ở độ sâu từ bề mặt xuống đến 3-4 mét dưới mực nước biển, có thể vớt được rác nhựa loại Macroplastic (>200mm) trở lên. Lưới thu được rác ngay cả khi sóng lớn.
Đội thi bao gồm các thanh niên, ngư dân bản địa và sinh viên ngành môi trường. Việc sử dụng “tri thức địa phương” cho phép đội thi xác định được 7 vùng biển và thời gian đặt lưới thuận tiện để đặt lưới thu rác hiệu quả mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người dân.
Để thuyết phục ngư dân Cù Lao Chàm tham gia, đại diện nhóm cho biết mô hình này sẽ gắn kết người dân bản địa và giúp đa dạng hóa nguồn sinh kế. Người dân có thể bán rác thu được cho các đối tác như Evergreen hoặc thúc đẩy ngành nghề xử lý rác thải nhựa tại địa phương. Bên cạnh đó, ngư dân cũng có thể tham gia vào mô hình du lịch trải nghiệm như nhặt rác tình nguyện, lặn ngắm san hô, đi tour đảo để góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của địa phương.
3- Storm: Robot Biya nói chuyện và nhắc nhở mọi người bảo vệ môi trường
Đại sứ môi trường Robot Biya có khả năng trò chuyện với con người | Nguồn: UNESCO
Biya có nghĩa là “môi trường” trong tiếng Ả-rập. Đây là một robot trí tuệ nhân tạo có 3 ngăn thu rác (lon kim loại, chai PEP và túi nhựa dùng một lần) với dung tích nén lên tới 660 lít, có khả năng trò chuyện, cung cấp thông tin về môi trường, du lịch để nâng cao nhận thức của người phát thải. Biya dự kiến đặt tại cầu cảng ở Cù Lao Chàm. Trong tương lai, nó có thể đặt tại các điểm du lịch khác và trường học.
“Biya có một sứ mệnh thay đổi nhận thức của con người”, đại diện nhóm nhấn mạnh. Đội thi gồm các nhà khoa học trẻ đến từ Đại học Đà Nẵng, thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, dữ liệu, tự động hóa, cơ khí và quản lý dự án.
Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tương tác với người xung quanh, sau 1 tháng lập trình, hiện robot này có thể trả lời được 500 câu hỏi thuộc 60 chủ đề khác nhau. Dự kiến nó sẽ được phát triển để hiểu trên 10.000 câu nói thuộc hơn 800 chủ đề.
Dựa trên thói quen vứt rác và các cuộc hội thoại, robot này sẽ thu thập dữ liệu về sự quan tâm đến môi trường và thói quen phân loại rác của người dân, khách du lịch xung quanh, để từ đó phục vụ cho những người ra quyết định liên quan.
Ba đội còn lại được trao giải triển vọng với giải thưởng trị giá 10 triệu đồng, gồm:
4- BaChuCa: Ứng dụng 2R-PLASTIC hướng dẫn, khuyến khích phân loại rác tại hộ gia đình
Ứng dụng phân loại rác tại hộ gia đình | Nguồn: UNESCO
2R-PLASTIC là ý tưởng thiết kế ứng dụng (app) trên điện thoại di động dành cho các hộ gia đình và khách lưu trú ngắn hạn quan tâm đến môi trường của các nhà khoa học trẻ đến từ Trường Đại học Y Dược Huế.
Hiện tại ứng dụng có 4 chức năng chính: hướng dẫn phân loại và tái chế; thu gom rác nhựa tại hộ gia đình, giới thiệu các cửa hàng bán sản phẩm tái chế và sản phẩm xanh và giới thiệu các homestay ở địa phương.
Dự án này được chia làm 2 giai đoạn từ nay đến hết năm 2021, trong đó hiện nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực trạng, xây dựng prototype và thực hiện truyền thông online/offline. Đại diện nhóm cho biết bước tiếp theo sẽ thiết kế app, thực hiện mô hình thử nghiệm và đưa dự án vào thực tế.
5- Octoplastic: Gạch nhẹ từ rác thải nhựa
Gạch nhẹ từ rác thải nhựa | Nguồn: UNESCO
Mỗi ngày Cù Lao Chàm thải ra 4-5 tấn rác mỗi ngày, trong số đó 10% là rác thải nhựa. Là một nhóm các nhà khoa học trẻ đến từ Đại học Bách Khoa TP HCM, Octoplastic mang đến ý tưởng xây dựng quy trình làm gạch nhẹ từ rác thải nhựa đại dương.
Mô phỏng làm gạch từ hạt nhựa trong phòng thí nghiệm của nhóm nghiên cứu cho thấy vật liệu này có cơ tính tốt, chịu được lực 4.95 Mpa, đạt tiêu chuẩn mác bê tông M50 của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1450:2009 về gạch rỗng đất sét nung; khả năng cách nhiẹt 90%, không bắt cháy ở điều kiện thường; và khả năng cách âm khoảng 60-70%.
Dự án có thể triển khai theo 3 hướng: xây dựng mô hình làm gạch tại nhà ở địa phương Cù Lao Chàm, xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm làm gạch nhựa cho khách du lịch, hoặc đề xuất quy trình tới các nhà máy.
Đại diện Octoplastic cho biết điều này sẽ giúp phân loại rác tại nguồn hiệu quả hơn, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong khu vực và nâng cao vai trò doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường.
6- Ba Cây Chụm Lại: Thùng phân loại rác nhựa EBIN với hệ thống báo đầy tự động
Thùng rác nhựa với hệ thống báo đầy tự động | Nguồn: UNESCO
Được thiết kế mang tính thẩm mỹ, EBIN là thùng rác công nghệ chỉ nhận rác thải nhựa và tự động báo về ứng dụng điện thoại khi đã đầy. Mô hình vận hành này có sự phối hợp 3 bên: người dân, cơ quan quản lý và đơn vị thu gom rác, nhằm tăng tính hiệu quả trong việc phân loại và tái chế rác thải nhựa.
Thông qua dữ liệu từ cảm biến trên đỉnh, thùng rác có thể thu thập dữ liệu về lượng rác thu được mỗi ngày, phục vụ cho việc đánh giá xu hướng rác, quan trắc và đưa ra quyết định quản lý.
Hiện nay, EBIN chỉ có 1 ngăn chứa rác nhựa, tuy nhiên đại diện nhóm cho biết giai đoạn tiếp theo sẽ chuyển thành thùng rác tái chế 3 ngăn, từ đó có thể phân loại rác tốt hơn và có dữ liệu cụ thể hơn về các loại rác nhựa.
Với các thành viên đến từ Đại học Xây dựng, Đại học Ngoại thương Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội, nhóm hi vọng việc áp dụng thùng rác công nghệ sẽ tạo điều kiện cho tư nhân tham gia tốt vào quá trình thu gom rác ở địa phương.