Vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Du - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở KH&CN Bắc Kạn.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Kạn đã báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị trong giai đoạn 2010-2015, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH&CN trong thời gian tới. Trong những năm qua mặc dù còn khó khăn, nhưng hoạt động KH&CN đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hầu hết các nhiệm vụ KH&CN được triển khai đã bám sát nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương, nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, nhất là việc khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai phát triển cây trồng đặc sản (như cam quýt, hồng không hạt, chè Shan Tuyết, gạo Bao Thai Chợ Đồn...), bước đầu tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Trong 5 năm qua, tỉnh đã thực hiện 68 đề tài, dự án ứng dụng (dự án của địa phương: 62, Dự án Trung ương hỗ trợ: 6). Trong đó lĩnh vực Nông lâm nghiệp: 40 đề tài, dự án; Công nghệ thông tin: 3; Khoa học xã hội và nhân văn: 13; Y dược: 6.
Như vậy, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông lâm nghiệp là chủ yếu, các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển cây ăn quả cam, quýt, hồng không hạt; nghiên cứu, thử nghiệm xác định được một số giống lúa như PC6, HT6, DT68 phù hợp với địa phương để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh; xây dựng mô hình trồng thuốc lá vụ đông tại Chợ Mới đã cho chất lượng, hiệu quả tốt; mô hình chăn nuôi lợn địa phương tại TP Bắc Kạn đang được duy trì mở rộng phát triển...
Trong việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, đã nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất chè Shan thâm canh tại huyện Chợ Đồn; chọn tạo được 2 giống đào chín sớm và lê Đài Loan phù hợp phát triển ở vùng cao; nghiên cứu tuyển chọn 44 cây đầu dòng, mô hình thâm canh hồng không hạt ở Chợ Đồn…Từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở KH&CN Bắc Kạn. cũng nêu những khó khăn, hạn chế trong hoạt động KH&CN hiện nay, như một số đề tài, dự án có hiệu quả, nhưng sau khi kết thúc việc duy trì, mở rộng mô hình gặp nhiều khó khăn, do chưa có cơ chế hỗ trợ nhân rộng mô hình; Các cấp, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm vào cuộc để ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Người dân chưa đối ứng đầy đủ những phần đã cam kết trong quá trình triển khai đề tài, dự án, dẫn tới kết quả triển khai còn hạn chế. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chưa hiệu quả; các doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn ít. Nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn còn hạn chế, các đề xuất về cơ chế, chính sách để vận dụng vào thực tiễn còn chậm; nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới còn lúng túng, chưa đem lại hiệu quả thiết thực; Năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong tỉnh còn hạn chế…
Sở KH&CN kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của KH&CN trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội; Xây dựng kế hoạch ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới và mở rộng mô hình đã thực hiện thành công trên địa bàn. Xem xét việc thẩm định, phân bổ kinh phí sự nghiệp KH&CN bảo đảm đúng nội dung nhiệm vụ, đúng quy định của nhà nước.
Phát biểu thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã đánh giá cao về những thành tích mà ngành khoa học và công nghệ đã đạt được. Tuy nhiên, một số đề tài, dự án sau khi kết thúc khó nhân rộng, vì thiếu cơ chế hỗ trợ để duy trì phát triển. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao cũng còn những bất cập, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu KH&CN với cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân chưa chặt chẽ, một số đề tài, dự án chưa thực sự đi vào thực tiễn đời sống. Đối với những đề tài khoa học đã ứng dụng thành công cần công bố, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa để các địa phương và nhân dân áp dụng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Sở KH&CN đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó vươn lên trong hoạt động KH&CN, giúp cho người dân Bắc Kạn ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương như Quýt, Hồng không hạt, Gạo nếp Khẩu Nua Lếch, Gạo bao thai Chợ Đồn, Miến dong từ đó đã góp phần vào việc nâng cao được giá trị các sản phẩm nông sản. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tế đã phát huy hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những đề tài, dự án ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả thiết thực thì cũng còn những dự án chưa thực sự hiệu quả. Ứng dụng KH&CN còn hạn chế khi chưa có sự vào cuộc của doanh nghiệp, hợp tác xã; Đối với tỉnh thế mạnh nông, lâm nghiệp là chủ yếu, cần chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học cho người nông dân. Sở cần khắc phục những hạn chế chế tồn tại đồng thời phát huy tốt hơn nữa vai trò tham mưu về cơ chế, chính sách cho việc ứng dụng, nhân rộng mô hình đã được nghiên cứu thành công. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở KH&CN quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm đúng quy định, khi có phát sinh phải kịp thời trình cấp có thẩm quyền giải quyết, đồng thời đề nghị Sở quan tâm làm tốt công tác cán bộ, xác định các vị trí việc làm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo quản lý KH&CN, ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế một cách hiệu quả.