Bàn giải pháp ứng dụng KH&CN; phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam
23/08/2016
133 Lượt xem
Hội thảo khoa học “Các giải pháp để các chương trình KH&CN quốc gia phục vụ tích cực phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam” vừa được Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu là lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp KH&CN khu vực phía Nam.
Hội thảo đã đánh giá lại những thành tựu, đóng góp của KH&CN thời gian qua, khẳng định vai trò của KH&CN đối với đất nước trong bối cảnh mới. Tại hội thảo, các ý kiến đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển KH&CN, trong đó 2 vấn đề được đề cập sâu là huy động nguồn lực cho phát triển KH&CN và xây dựng chiến lược phát triển KH&CN mang tính đặc thù cho từng địa phương.
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã sớm xác định vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, qua từng giai đoạn, nhiều thành tựu KH&CN đã được ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, thông tin, xây dựng... Các công trình nghiên cứu khoa học chú trọng vào việc giải quyết các yêu cầu của sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng. Mức đầu tư xã hội cho KH&CN ngày càng tăng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại hội thảo
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, thời gian qua, KH&CN đã đóp góp cho việc phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như các vùng, địa phương. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của Đảng và nhà nước, hoạt động nghiên cứu KH&CN vẫn còn những bất cập. Nguyên nhân chủ yếu do cơ chế quản lý, cơ chế tài chính thúc đẩy phát triển KH&CN trong doanh nghiệp.
Nước ta đang phấn đấu đưa tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt trên 2% GDP vào năm 2020, bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN không dưới 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Trong định hướng phát triển KH&CN thời gian tới, ông Phạm Đại Dương cho biết sẽ phấn đấu cả nước xây dựng được 5.000 doanh nghiệp KH&CN.
Đánh giá về sự phát triển của KH&CN tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính từ năm 2001 đến nay, tỉnh có 80 đề tài, dự án KH&CN được triển khai thực hiện, phần lớn đã được ứng dụng phục vụ cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả như: Đề tài ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhân hộ khẩu tại Công an tỉnh; Dự án nhân rộng mô hình chống sét tại huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ; Dự án nâng cấp và phát triển hệ thống điện mặt trời tại Côn Đảo; Dự án nhân rộng mô hình thông tin điện tử KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; Dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thử nghiệm thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt công suất 500 lít/ngày phục vụ tàu đánh cá xa bờ…
Tại hội thảo, ngoài việc đánh giá kết quả bước đầu triển khai các chương trình, đề án quốc gia về KHCN khu vực phía Nam, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc triển khai các chương trình, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Theo đó, bên cạnh duy trì 2% tổng chi ngân sách cho KH&CN, cần có biện pháp huy động sự đóng góp của xã hội, doanh nghiệp. Để bảo đảm nguồn đầu tư bền vững cho lĩnh vực KH&CN, doanh nghiệp phải tham gia đóng góp gấp 3 đến 4 lần mức chi của ngân sách (xã hội hóa nguồn đầu tư). Muốn làm được điều đó, Nhà nước phải có các chính sách đồng bộ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN.
Cùng với đó, nâng cao vai trò đặt hàng nhiệm vụ KH&CN của Nhà nước; đặt hàng theo cụm nhiệm vụ để tập trung giải quyết vấn đề KH&CN cho định hướng phát triển sản phẩm, trong đó lựa chọn nội dung giao các đơn vị có thế mạnh tổ chức thực hiện; có quy định về cơ chế phối hợp: tổ chức thực hiện, báo cáo, giao nộp sản phẩm cho đơn vị chủ trì nhiệm vụ; gắn kết các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu KH&CN, thực hiện cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ trong hoạt động KH&CN; để phát huy được giá trị đầu tư từ công nghệ, các cơ quan quản lý KH&CN cần cung cấp thông tin dạng kết nối cung - cầu cho doanh nghiệp trong việc mua máy móc, thiết bị, thẩm tra công nghệ để các doanh nghiệp không rơi vào tình trạng sản xuất thử nghiệm…