Bao bì tan trong nước để giải quyết vấn đề rác thải nhựa
03/02/2023
68 Lượt xem
Công ty khởi nghiệp PVA Pro đang vận hành nhà máy đầu tiên ở Việt Nam chuyên về công nghệ bao bì có thể hòa tan trong nước để hỗ trợ các ngành giảm thiểu tác động ra môi trường.
Nhà máy sản xuất bao bì nhựa phân hủy trong nước ở Long An. Nguồn: PVA Pro, 2022
Các loại nhựa thông thường phải mất từ 20 - 100 năm để có thể gãy ra thành các mảnh nhựa nhỏ hơn, trong khi hầu hết các loại nhựa phân hủy sinh học phải đưa vào điều kiện môi trường đặc biệt (về nhiệt độ, áp suất, oxy, độ ẩm, vi sinh vật…) như trong các nhà máy ủ phân công nghiệp để giảm thời gian phân hủy còn 6 - 12 tháng.
Tuy nhiên, công ty khởi nghiệp PVA Pro có trụ sở tại TPHCM tuyên bố rằng họ vừa mới hoàn thiện công nghệ sản xuất Aquaflex, một loại nhựa gốc PVA - [CH2-CH-(OH)]n - có thể tan ra ngay khi gặp nước và không để lại dấu vết. Họ gọi nó là kẻ thay đổi cuộc chơi, bởi đây là một trong những công nghệ màng nhựa phân hủy trong nước đầu tiên trên thế giới có thể ứng dụng làm bao bì.
Raphael Cazalbou, đồng sáng lập của PVA Pro nói rằng một vài công ty trên thế giới đã phát triển công nghệ tương tự và đã có sản phẩm hiện diện trên thị trường dưới dạng màng bọc viên giặt quần áo hoặc màng bọc thuốc, nhưng những vật liệu này chỉ sử dụng cho nước lạnh và không thích hợp để làm bao bì đóng gói.
Công nghệ của PVA Pro của họ có thể tạo ra các loại nhựa tan rã trong nước nóng khoảng 70 °C, nghĩa là nếu gặp mưa nhẹ hoặc bị bắn một vài giọt nước thì lớp bọc nhựa vẫn không bị phản ứng. Dĩ nhiên, chúng hoàn toàn có thể phân hủy trong môi trường nước lạnh nhưng phải mất thời gian lâu hơn, tới sáu tháng. Điều quan trọng là nếu chẳng may rơi xuống sông hồ hoặc đại dương, chúng có thể phân hủy thành CO2 và sinh khối để làm thức ăn cho động vật.
Ở điều kiện khô ráo bình thường, những vật liệu này không khác bao bì bình thường là mấy. Những tấm film Aquaflex trong suốt do PVA Pro chế tạo có độ bền gấp ba lần nhựa bình thường, không bị dính, có thể in hình và hàn dán nhiệt linh hoạt, do vậy chúng cực kì thích hợp để đóng gói các loại quần áo, phụ kiện, đồ điện tử. Tuy nhiên, chúng không dùng được với các loại đồ ăn, bởi độ ẩm từ thức ăn sẽ làm hỏng túi.
Một trong những công dụng lớn nhất của nhựa Aquaflex là có thể kết hợp với các vật liệu khác để thiết kế ra những sản phẩm có khả năng tái chế tốt hơn. Bởi các loại bao bì như túi giấy thường được làm từ hai lớp vật liệu khác nhau nên các nhà máy tái chế phải vật lộn để sử dụng hóa chất tách chúng ra và đó là một quy trình tốn kém. Chính vì thế, lượng bao bì được tái chế chỉ chiếm không tới 10%. Đối với các loại túi giấy có phủ một lớp Aquaflex, chỉ cần nghiền ở nhiệt độ khoảng 40 °C là lớp nhựa sẽ tan vào trong nước và đi vào nước thải của nhà máy một cách an toàn.
Đồng sáng lập Jonathan Sourintha nói rằng các loại nhựa tan trong nước là một vật liệu tuyệt vời cho nền kinh tế tuần hoàn. Ông không tiết lộ về công nghệ tạo ra sản phẩm này mà chỉ cho biết chúng được chuyển giao từ các nghiên cứu tại Anh Quốc và họ không có ý định đăng ký độc quyền sáng chế để bảo vệ bí mật kinh doanh. Bốn tháng trước, startup này đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất ở An Giang để sẵn sàng sản xuất bao bì trên quy mô lớn.
Lý giải việc lựa chọn Việt Nam là nơi đầu tiên đặt nhà máy sản xuất, công ty cho hay Việt Nam là một trong những công xưởng sản xuất hàng hóa lớn của thế giới, do vậy các nhà máy sẽ có nhu cầu tiếp cận với những loại bao bì thân thiện với môi trường để đóng gói hàng xuất khẩu sang các nước châu Âu và Mỹ.
Trên thực tế, PVA Pro đã bắt đầu gặp gỡ những công ty lớn trong ngành dệt may, đồ điện tử, đồ gia dụng và đồ chơi để giới thiệu sản phẩm của mình. Chia sẻ tại Techfest 2022, các nhà đồng sáng lập nói rằng họ có thể cung cấp các loại bao bì ở Việt Nam với chi phí thấp hơn hẳn các sản phẩm phân hủy sinh học từ châu Âu hoặc Nhật Bản, thậm chí là từ Trung Quốc.
Trên thế giới, ngành sản xuất bao bì phân hủy sinh học đã đạt giá trị hơn 13 tỷ USD vào năm 2021. Tuy vậy, chúng vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn (5%) so với bao bì nhựa và bao bì giấy. Các chuyên gia tin rằng xu hướng này sẽ sớm thay đổi bởi nhiều quốc gia đang thắt chặt lệnh cấm sản xuất nhựa dùng một lần, các loại bao bì nhựa khó phân hủy và hàng hóa chứa vi nhựa do lo ngại tác hại của chúng với môi trường và sức khỏe con người.
Việt Nam, một trong những nước có lượng rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới, cũng quyết định sẽ cắt giảm nhựa thông thường từ năm 2025 và đóng cửa các nhà máy sản xuất bao bì nhựa khó phân hủy của mình vào cuối năm 2030.