Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y TW1 được giao nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ 42 giống vi sinh vật thú y (VSVTY). Đây là nhiệm vụ cấp thiết và thường xuyên của Trung tâm nhằm phục vụ công tác đánh giá chất lượng vắc xin và các chế phẩm sinh học dùng trong thú y được sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung tâm còn cung cấp một số chủng giống vi sinh vật phục vụ công tác chẩn đoán, nghiên cứu và sản xuất vắc xin, các chế phẩm sinh học dùng trong thú y. Bảo tồn và lưu giữ vi sinh vật ở trạng thái sống, ổn định các đặc tính sinh học của chúng là một việc làm rất khó khăn, tốn thời gian và công sức. Vì mỗi một vi sinh vật đều mang những đặc điểm sinh học riêng biệt và các đặc điểm này theo thời gian có thể thay đổi chất lượng các đặc tính của vi sinh vật. Chính vì vậy nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo các giống vi sinh vật luôn giữ ổn định các đặc tính sinh học của chúng, nên định kỳ kiểm tra, đánh giá về các đặc tính sinh học như độ thuần khiết, tính kháng nguyên, tính an toàn, tính độc…. Bên cạnh đó, Trung tâm từng bước giải mã gen đặc trưng của 42 giống vi sinh vật thú y để tiến tới hoàn chỉnh bộ giống với đầy đủ các đặc tính sinh học, đặc tính sinh học phân tử, đảm bảo về chất lượng để góp phần trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật ở nước ta.
Để bảo tồn và lưu giữ nguồn gen, góp phần sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn gen vi sinh vật thú y; khai thác và sử dụng hiệu quả phục vụ công tác bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm; tăng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế, TS. Nguyễn Trung Tiến đã cùng các cộng sự tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 1, Cục Thú y thực hiện đề tài: “Bảo tồn lưu giữ nguồn gen Vi sinh vật thú y”.
Nhiệm vụ bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật thú y năm 2021 đã thực hiện theo thuyết minh được phê duyệt. Cụ thể:
- 42 nguồn gen vi sinh vật thú y được lưu giữ và bảo quản luôn đủ số lượng và đảm bảo chất lượng tốt.
- Đã đánh giá, kiểm tra định kỳ 10 giống (Tụ huyết trùng trâu bò P52; Tụ huyết trùng lợn Ps1; Leptospira 6 chủng - L. bataviae; L. canicola; L. mitis; L. pomona; L. grippotyphosa; L. Icterohaemorrhagiae, Viêm gan vịt cường độc; Viêm gan vịt nhược độc).
- Đã giải mã gen đặc trưng của Leptospira 6 chủng - L. bataviae; L. canicola; L. mitis; L. pomona; L. grippotyphosa; L. Icterohaemorrhagiae.: thu nhận gen OmpL1, LipL21 và LipL32 có kích thước tương ứng khoảng 1kb, 0,8 kb và 0,6 kb.
+ Đã thực hiện tư liệu hóa - lập hồ sơ chi tiết được 07 giống vi sinh vật thú y (Tụ huyết trùng lợn Ps1; Leptospira 6 chủng).
+ Đã sử dụng một số giống phục vụ kiểm nghiệm, khảo nghiệm vắc xin và chế phẩm sinh học dùng trong thú y.
Nhóm đề tài đề nghị cần tiếp tục lưu giữ, bảo tồn các chủng vi sinh vật thú y góp phần phục vụ công tác chẩn đoán, nghiên cứu, giảng dạy và kiểm nghiệm chế phẩm sinh học dùng trong thú y.
Việc bảo tồn và lưu giữ vi sinh vật ở trạng thái sống, ổn định các đặc tính sinh học của chúng là một việc làm rất khó khăn, tốn thời gian và công sức. Vì mỗi một vi sinh vật đều mang những đặc điểm sinh học riêng biệt và các đặc điểm này theo thời gian có thể thay đổi chất lượng các đặc tính của vi sinh vật. Chính vì vậy nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo các giống vi sinh vật luôn giữ ổn định các đặc tính sinh học của chúng, nên định kỳ kiểm tra, đánh giá về các đặc tính sinh học như độ thuần khiết, tính kháng nguyên, tính an toàn, tính độc…. Bên cạnh đó, Trung tâm đã từng bước giải mã gen đặc trưng của 42 giống vi sinh vật thú y để tiến tới hoàn chỉnh bộ giống với đầy đủ các đặc tính sinh học, đặc tính sinh học phân tử, đảm bảo về chất lượng để góp phần trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật ở nước ta.
Trong nhiều năm qua, Trung tâm đã làm tốt nhiệm vụ này, góp phần trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật ở nước ta. Việc lưu giữ và bảo tồn các chủng giống vi sinh vật luôn giữ được các đặc tính sinh học ổn định là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, là cơ sở đánh giá chất lượng vắc xin và các chế phẩm sinh học trong nước và nhập khẩu.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20665/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.