Bếm Tre: ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm và thương mại hóa các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững
23/08/2016
122 Lượt xem
Vừa qua, Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh đã tổ chức nghiệm thu dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm và thương mại hóa các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững” làm cơ sở để nghiệm thu cấp bộ trong thời gian tới.
Dự án thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015” do CN Phạm Văn Đồng - Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Bến Tre làm chủ nhiệm, thực hiện dưới sự chuyển giao công nghệ từ Bộ môn vi sinh vật, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa trong thời gian 36 tháng, bắt đầu tháng 4/2013 với tổng kinh phí 4 tỷ đồng.
Với mục tiêu là tiếp nhận công nghệ và xây dựng cơ sở sản xuất chế phẩm sinh học quy mô công nghiệp với hệ thống các trang thiết bị đồng bộ, phù hợp với điều kiện địa phương tạo sản phẩm có chất lượng và giá thành hợp lý phục vụ phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bến Tre. Thông qua dự án đã xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị, đào tạo tập huấn cho cán bộ, kỹ thuật viên cho đơn vị chủ trì. Bên cạnh đó, dự án đã tổ chức thành dây chuyền công nghệ sản xuất theo quy trình từ khâu xử lý nguyên liệu đến khâu thành phẩm đóng gói sản phẩm; sản xuất 50 tấn sản phẩm phân hữu cơ vi sinh và 3 tấn chế phẩm sinh học (1 tấn chế phẩm vi sinh vật chức năng, 1 tấn compost maker, 1 tấn chế phẩm trichoderma). Các sản phẩm này đều được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam kiểm định và đạt các chỉ tiêu kỹ thuật về chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án, đã chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh An Giang ứng dụng thành công và đưa vào sản xuất.
Trong các sản phẩm của dự án mà Trung tâm thực hiện đều được khảo nghiệm thông qua các mô hình trồng bưởi da xanh ở Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách (Bến Tre) và có mô hình đối chứng, mô hình trồng cà chua được khảo nghiệm ở Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, rau và hoa (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Đối với phân hữu cơ vi sinh được kiểm nghiệm trên cây ca cao và cây bưởi da xanh, kết quả bước đầu cho thấy, cây có bón phân hữu cơ vi sinh với liều lượng như quy trình cho năng suất cao hơn so với đối chứng 10-20%, cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, ca cao hạt chắc, quả bưởi vỏ sáng đẹp, ít hạt... Riêng đối với cà chua, khi bón bổ sung phân hữu cơ làm tăng năng suất so với đối chứng 2,18-3,14 tấn/ha/vụ.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa tổ chức 4 lớp tập huấn, 2 cuộc hội thảo cho 300 người ở Châu Thành, Chợ Lách, Ba Tri, Mỏ Cày Bắc về sử dụng phân đúng cách; tập huấn cho cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khuyến nông về ủ phân compost từ nguồn nguyên liệu địa phương, quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn nguyên liệu địa phương.
Có thể nói, thành công của dự án đã tạo ra sản phẩm mới phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học do “Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Bến Tre” sản xuất càng tăng thêm lòng tin cho người sử dụng, sau khi được chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm đơn vị tiếp tục mở rộng thị trường sang các tỉnh lân cận. Mặc khác, theo đánh giá của các thành viên hội đồng, đơn vị chủ trì hoàn toàn có khả năng làm chủ được công nghệ, sản phẩm phù hợp với điều kiện ở địa phương, giá thành hợp lý giúp người dân ứng dụng rộng rãi các sản phẩm sinh học vào các hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường, có hiệu quả kinh tế, có khả năng duy trì và nhân rộng góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn.