Bó vỉa hè thấm tiêu định hướng: Giải pháp mới cho tình trạng mưa là ngập
08/05/2018
117 Lượt xem
Một sinh viên đã đề xuất ý tưởng khai thác và lắp hệ thống thấm tiêu ở khu vực bó vỉa hè nhằm thấm nước mưa với tỉ lệ lên đến 60%, chống ngập cho TP.HCM.
Bó vỉa hè (phần ngăn cách giữa vỉa hè và lòng đường) được khai thác để
làm hệ thống thấm tiêu nước mưa. Ảnh: Hà Thế An.
40 năm nữa, hệ thống thoát nước TP.HCM dưới mực nước biển
Trước thực trạng TP.HCM cứ mưa là ngập, Nguyễn Bảo Quân (sinh viên Trường dạy nghề Á Đông) đã hơn 6 năm ròng rã đi tìm giải pháp để giải quyết thực trạng này. Quân chia sẻ, bê tông hóa tại TP.HCM đã vượt quá giới hạn, không còn chỗ cho nước thấm tiêu tự nhiên để giảm ngập sau mưa và bù lún cho thành phố.
Các cống thoát nước hiện nay đang quá tải vì không tiêu hết lượng nước khổng lồ sau mưa. Điều này dẫn đến TP.HCM cứ mưa là ngập. Quân lập luận, hiện nay theo quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tốc độ lún thấp nhất của thành phố là 1cm/ năm và cao nhất là 40cm/10 năm.
Với tốc độ lún và tốc độ nước biển dâng mỗi năm trung bình từ 0,5 - 1cm, chỉ khoảng 40 năm nữa toàn bộ hệ thống thoát nước của thành phố sẽ bị tê liệt vì nằm dưới mực nước biển. Không những thế, nhiệt độ của thành phố sẽ ngày càng tăng do bức xạ nhiệt thoát ra từ các mảng bê tông và độ ẩm không khí ngày càng thấp do không bù được hơi nước thoát lên từ mặt đất.
Quân cũng cho hay, vấn đề bê tông thấm tiêu đã được đề cập từ lâu cho việc ứng dụng thấm tiêu nước mưa của thành phố. Nhưng đến thời điểm hiện tại chưa ứng dụng đại trà được. Lý do được đưa ra là tất cả các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng, đường sá đều không có quy chuẩn kỹ thuật thấm tiêu nước mưa.
Cho nên nếu áp dụng kỹ thuật thống tiêu thông thường thì sẽ gây sụt lún, phá vỡ nền móng, kết cấu xây dựng của các công trình hiện hữu.
Thấm tiêu trên bó vỉa hè hấp thu nước mưa lên đến 60%
Quân nói, vấn đề thi công thấm tiêu trong thành phố cũng cần phải được đặt ra tiêu chí nhanh, gọn, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế. Vị trí thi công cũng phải cân nhắc thật kỹ để đạt được hiệu suất thấm tiêu cao nhất, tiện lợi và thẩm mỹ.
Từ những vấn đề trên, Quân đưa ra giải pháp là thi công hệ thống thấm tiêu nước mưa trên các bó vỉa hè (phần giáp ranh giữa mặt đường và mép ngoài vỉa hè) đường phố. Cơ sở để Quân chọn giải pháp này là hầu hết tất cả các con đường, hai bên đều có cống thoát nước.
Nước mưa tràn ở mặt đường và lề đường trước khi chảy xuống cống đều tiếp xúc với bó vỉa hè. Đây chính là nơi thấm tiêu hiệu quả nhất. Tương tự như vậy, các công trình nhà ở thì vị trí thấm tiêu hiệu quả nhất là các bậc tam cấp.
Từ lập luận trên, Quân đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp bó vỉa hè thấm tiêu định hướng, kết cấu thấm tiêu định hướng để giảm ngập nước mưa và chống lún.
“Bó vỉa hè và kết cấu thấm tiêu này được cấu thành bởi các khối bê tông được đúc sẵn. Các khối này được xếp hoặc lắp ghép nối tiếp cạnh nhau có sử dụng vật liệu liên kết để tạo thành bó vỉa hè ở hai bên đường giao thông, hoặc tạo thành kết cấu thấm tiêu định hướng xung quanh nền móng nhà ở” - Quân mô tả.
Đây là kết cấu bê tông đúc sẵn, đáp ứng được các điều kiện như dẫn nước thấm tiêu xuống dưới và về phía xa nền móng các công trình. Bảo vệ được nền móng không bị sạt lở. Thi công nhanh, gọn, hiệu quả, ít cản trở sinh hoạt thành phố.
Quân đề xuất phương pháp thi công như sau: Phần bê tông thấm nước được lắp hướng lên trên và có ít nhất một phần lộ ra trên mặt đất để thấm tiêu nước. Phần còn lại kết hợp với bề mặt định hướng không thấm nước để dẫn nước thấm tiêu xuống phía dưới và về phía xa nền móng các công trình.
Có thể bố trí các ống dẫn dọc chiều dài khối bê tông để lấy nước mưa thấm bên trong khối sử dụng cho các việc khác.
Nguyễn Bảo Quân (thứ 2 từ phải sang) nhận phần thưởng Giải Nhì tại cuộc thi
"Thành phố tôi yêu" với ý tưởng sử dụng bó vỉa hè giảm ngập. Ảnh: NVCC.
GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, rất hoan nghênh ý tưởng của Quân. Tuy nhiên, ông Bá cũng thắc mắc về tỷ lệ thấm tiêu trong giải pháp của Quân.
Về vấn đề này, Quân cho biết, tỷ lệ thấm tiêu thấp nhất là 10% và cao nhất là 60% tùy thuộc kết cấu bê tông khi đúc. Bê tông bao gồm thép, xi măng, một số vật liệu và nước. Kết cấu vật liệu này sẽ có kích thước từ 5 - 25mm. Dựa vào đây sẽ có được chỉ số thấm tiêu và đã được đo đạc thử nghiệm.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hậu (Hội đồng ban giám khảo) chia sẻ, đề tài này giúp tìm ra được nguyên nhân của ngập nước là do tình trạng bê tông hóa và đã đưa ra được giải pháp.
“Tuy nhiên tác giả cũng nên cân nhắc về vấn đề tài chính. Làm như thế này thì có tốn kém không vì nếu làm thì phải làm hết toàn thành phố thì nước mưa mới thoát được. Chúng tôi nghĩ tác giả cần gia công thêm hệ thống thấm tiêu vì đây là bài toán rất phức tạp” - ông Hậu nói.