Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp KH&CN; phải làm gì để 'đón sóng'
25/08/2017
112 Lượt xem
CMCN4.0 đang tạo ra sự chênh lệch về trình độ phát triển KH&CN quá lớn trong một sân chơi có sự cạnh tranh gay gắt. Vậy doanh nghiệp KH&CN Việt Nam cần làm gì?
Tại Việt Nam, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) được nhận định sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp với quy mô và tổ chức đa phần nhỏ lẻ như hiện nay.
Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao…
Mặt khác, có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển. Đây là những nhận định hết sức rõ ràng và thực tế về những cơ hội và nguy cơ mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong bối cảnh của cuộc CMCN4.0, trong đó, khó khăn là điều chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), doanh nghiệp KH&CN chính là những đối tượng có ý tưởng công nghệ mới, có mô hình kinh doanh sáng tạo và chấp nhận rủi ro để đưa những sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường. Doanh nghiệp KH&CN khiến họ có tiềm năng trở thành các doanh nghiệp mạnh, có giá trị kinh tế lớn chỉ trong một thời gian ngắn, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước trở thành nền kinh tế dựa trên tri thức.
Tuy nhiên, doanh nghiệp KH&CN cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp KH&CN cần phải ”hiểu và đi đúng” trong cuộc CMCN4.0. Doanh nghiệp KH&CN cần phải ”hiểu và đi đúng” trong cuộc CMCN 4.0
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Trần Xuân Đích cho biết, CMCN4.0 đang tạo ra sự chênh lệch về trình độ phát triển KH&CN quá lớn trong một sân chơi có sự cạnh tranh gay gắt khiến cho sự thua thiệt và yếu thế luôn nằm về phía các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, trong đó có doanh nghiệp KH&CN.
Kết nối, trao đổi và chuyển giao công nghệ sẽ là phương pháp tối ưu để doanh nghiệp Việt Nam hướng đến công nghiệp 4.0. Giải pháp đưa ra là tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN cũng là một kênh giữ vai trò tích cực trong việc tạo ra các kết nối giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu/trường đại học để hỗ trợ cho quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp KH&CN cần tham gia thiết lập và phát triển mạng lưới ươm tạo và thương mại hóa công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty công nghệ, khu khởi nghiệp ở các nước trên thế giới và kết nối với các cơ sở trong nước.
Các doanh nghiệp KH&CN cần chủ động, tích cực tham gia tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi mà các chủ thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể biết đến nhau, giao lưu, tìm hiểu nhau và tạo nên một mạng lưới liên kết chặt chẽ để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Mạng lưới này bao gồm: các doanh nghiệp KH&CN mới khởi nghiệp, các doanh nghiệp KH&CN đã thành công, các nhà đầu tư thiên thần, các viện nghiên cứu, trường đại học, các quỹ đầu tư, các cơ sở ươm tạo, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác. Nhà nước sẽ nắm vai trò kết nối các chủ thể và điều phối, thường xuyên hỗ trợ cho các chủ thể trong mạng lưới này để hệ thống sinh thái khởi nghiệp có thể hoạt động và phát triển một cách bền vững.
Về định hướng phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong thời gian tới, đại diện Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết, đến năm 2020, phấn đấu có 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Để đạt mục tiêu này, sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách khoa học công nghệ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp khoa học công nghệ được hưởng những lợi ích thiết thực. Đồng thời đề nghị các địa phương và sở, ngành quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ phát triển và xem đây là nhiệm vụ quan trọng.