Cảnh báo ùn tắc giao thông dựa vào dữ liệu cộng đồng
07/01/2022
83 Lượt xem
Giải pháp Utraffic - Hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông dựa vào dữ liệu cộng đồng do nhóm tác giả ở Trường Đại học Bách khoa TPHCM xây dựng, giúp người dân xác định nhanh chóng, chính xác tình trạng giao thông khi cần di chuyển.
TPHCM có hệ thống hơn 1.000 camera giám sát giao thông. Tuy nhiên, hệ thống trên vẫn còn nhiều hạn chế do độ bao phủ còn thấp (chỉ triển khai được ở những nút giao thông quan trọng), chi phí đầu tư và bảo trì lớn. Một số công trình nghiên cứu nhằm giảm tải việc ùn tắc giao thông cũng đã được đưa vào triển khai, nhưng các chức năng xử lý của hệ thống còn thô sơ (chủ yếu dựa vào con người, camera), nên chưa đạt hiệu quả cao trong giải quyết tình trạng ùn tắng giao thông.
Theo PGS.TS Trần Minh Quang, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, để có một hệ thống cảnh báo giao thông hiệu quả, thì dữ liệu cần được thu thập đầy đủ (thời gian, vị trí, hình ảnh, mức độ, lý do gây tắc nghẽn,...). Từ đó, mới cung cấp được tình trạng thông tin một cách chính xác, kịp thời và đầy đủ cho người tham gia giao thông cũng như các cơ quan quản lý. Thông thường, dữ liệu này được kết hợp với các hệ thống quan sát cố định như cảm biến, camera, … Tuy nhiên, các hệ thống này tiêu tốn nhiều chi phí triển khai và bảo trì, phạm vi phủ sóng bị hạn chế, khó triển khai ở khắp mọi nơi trong Thành phố. Do đó, cần tận dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ cộng đồng để thu thập dữ liệu về giao thông một cách kịp thời, tại chỗ và đầy đủ hơn.
Thông tin giao thông được cập nhật trên trang web. Ảnh: Chụp màn hình
Hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông của nhóm tác giả thu thập dữ liệu quan đến giao thông từ cộng đồng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Các dữ liệu này được lưu trữ, phân tích tại hệ thống máy chủ nhằm đánh giá tình trạng giao thông và cung cấp thông tin này cho người tham gia giao thông, nhà quản lý thông qua ứng dụng di động và ứng dụng web. Các thông tin giao thông được cập nhật thường xuyên để người dân có lộ trình di chuyển hợp lý, tránh đi vào những điểm ùn tắc nhiều.
Hệ thống gồm các thành phần chính như: Nguồn dữ liệu giao thông được thu thập từ nhiều nguồn (hệ thống camera, cổng thông tin giao thông, chia sẻ từ cộng đồng thông qua ứng dụng di động); Tổng hợp và phân tích dữ liệu (dữ liệu giao thông được cung cấp bởi cộng đồng sẽ được thu thập, xử lý, loại bỏ dữ liệu thừa, bổ sung dữ liệu thiếu,…); Phân tích và dự đoán tình trạng giao thông (sau khi dữ liệu được thu thập và tập hợp về trung tâm, bộ phận phân tích và dự báo lưu lượng giao thông sẽ phân tích các dữ liệu này nhằm đánh giá và dự đoán tình trạng giao thông một cách chính xác và kịp thời). Thông tin giao thông sẽ được cập nhật trên bản đồ giao thông của Thành phố và hiển thị trên ứng dụng di động hoặc trên trang web. Tại ứng dụng, người dùng còn có thể tìm kiếm địa chỉ, đóng góp dữ liệu về tình trạng giao thông cho hệ thống,…
Ứng dụng trên di động đang được triển khai miễn phí cho người dùng tại TPHCM tại địa chỉ https://bktraffic.com/home/mobile-app. Ứng dụng trên web tại địa chỉ: https://bktraffic.com/home/.
Giải pháp của nhóm tác giả vừa nhận được giải Ba Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật TPHCM lần thứ 26.