Việc kiểm tra định kỳ các công trình xây dựng vẫn dựa vào những bản vẽ kỹ thuật và thông số từ thiết bị đo đạc, quan trắc tại hiện trường, mất thời gian và chưa hẳn đã đem lại kết quả chính xác. Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã bắt đầu áp dụng những giải pháp mới, như lắp đặt các loại cảm biến để theo dõi tình trạng công trình xây dựng.
TS. Đào Thanh Toản cho biết: “So với cảm biến được chế tạo bằng vật liệu vô cơ truyền thống, cảm biến áp lực hữu cơ có ưu điểm nổi bật là mềm dẻo, phù hợp với nhiều bề mặt công trình khác nhau, quy trình sản xuất đơn giản. Ngoài mục tiêu giám sát tình trạng công trình xây dựng, chúng tôi mong muốn các thiết bị này sẽ được phổ biến hơn ở Việt Nam để thu thập dữ liệu quan trắc kết cấu công trình xây dựng theo thời gian thực, hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị thông minh trong tương lai”.
Cảm biến áp lực hữu cơ do TS. Đào Thanh Toản và các cộng sự chế tạo bằng phương pháp ép nhiệt có độ nhạy tương đồng, thậm chí một số lần thử nghiệm còn cho kết quả tốt hơn cảm biến thông thường, trong khi giá thành chỉ bằng khoảng một nửa. Cảm biến sản xuất theo phương pháp này có tính mềm dẻo cao, kích thước lớn, vì vậy sẽ giảm số lượng cảm biến cần sử dụng, cảm biến được dán lên bề mặt công trình cần giám sát (như dầm, sàn bê tông, cột, trụ...) để theo dõi tình trạng như cong, nứt nên dễ dàng thay thế, sửa chữa.
Với tính sáng tạo cao, cảm biến áp lực hữu cơ để theo dõi sức khỏe công trình xây dựng của TS. Đào Thanh Toản và các cộng sự đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Kết quả nghiên cứu có 2 công bố quốc tế.