Chế tạo thành công robot "sống" từ tế bào ếch châu Phi
16/01/2020
76 Lượt xem
Các nhà khoa học Mỹ vừa tạo ra robot sống đầu tiên bằng cách ghép tế bào của loài ếch có móng vuốt châu Phi thành những robot nhỏ.
Robot được cấy ghép thành công nhất có hai chân, trong khi số khác có bốn chân ở phía dưới bụng. Các chân này có nhiệm vụ đẩy robot di chuyển về phía trước, theo Guardian.
"Đây là những dạng sống hoàn toàn mới. Chúng chưa bao giờ tồn tại trên Trái Đất. Chúng là những sinh vật sống và có thể được lập trình", Michael Levin, Giám đốc Trung tâm Khám phá Allen tại Đại học Tufts ở Medford, Massachusetts, cho biết.
Các robot, có chiều dài chưa đến 1 mm, được thiết kế bởi "thuật toán tiến hóa" chạy trên siêu máy tính.
Đầu tiên, cấu hình 3D được tạo ngẫu nhiên từ 500-1.000 tế bào da và tim. Mỗi thiết kế sau đó được kiểm tra trong môi trường ảo để chọn ra các mẫu tốt nhất. Do tế bào tim tự động co duỗi nên chúng đóng vai trò như những động cơ thu nhỏ điều khiển robot. Hoạt động nhờ năng lượng dự trữ, các tế bào này có thể tồn tại trong khoảng một tuần đến 10 ngày trước khi chết.
Robot thường được chế tạo từ kim loại và nhựa, những vật liệu có tính bền. Tuy nhiên, ông Levin và các đồng nghiệp cho rằng chế tạo robot từ mô sinh học có thể mang lại nhiều lợi ích. Khi bị hư hại, robot sống có thể chữa lành vết thương của chúng, và một khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ tự phân hủy như các sinh vật tự nhiên.
Các nhà khoa học cho biết những tính năng độc đáo này có thể được sử dụng để làm sạch đại dương, xác định vị trí và tiêu hóa các chất độc hại, đưa thuốc vào cơ thể hoặc loại bỏ mảng bám trên thành động mạch.
Josh It Bongard, nhà nghiên cứu cao cấp của nhóm nghiên cứu tại Đại học Vermont, cho biết: "Hiện chưa thể biết có thể ứng dụng công nghệ mới này như thế nào, nên chúng ta chỉ có thể đoán".