Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được đánh giá ở mức rất thấp trong khu vực và trên toàn thế giới, thậm chí đầu tư cho R&D còn xếp sau một số nước như Lào, Campuchia. Không những thế, rất khó đánh giá được hiệu quả thực sự của các chương trình hỗ trợ cho ĐMST hiện nay, bởi hầu như các chương trình không được thực hiện theo những khung logic xác định ngay từ đầu, với các chỉ tiêu, chỉ số có thể đo lường được.
Báo cáo cũng cho biết, trong lĩnh vực điện tử, tăng trưởng và xuất khẩu chủ yếu là nhờ khu vực FDI.
Ảnh: Công nhân tại Canon Việt Nam. Nguồn: Lao động.
Hai báo cáo nghiên cứu mới được công bố của Worldbank, gồm Việt Nam:Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ, bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế và Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới, đã cho thấy những điểm mấu chốt cần thay đổi trong các hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời, đưa ra khuyến nghị để thay đổi cơ chế đòn bẩy hiện nay.
Năng suất không thấp nhưng đổi mới sáng tạo yếu
Trái ngược với nhiều lo lắng về năng suất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thấp, các báo cáo này chỉ ra, năng suất lao động của các doanh nghiệp này ở Việt Nam có thể sánh được với các nước ở khu vực châu Á. Chẳng hạn như, các doanh nghiệp trung vị[1] tạo ra khoảng 10.500 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Mức này tương đương với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, cao hơn Ấn Độ mặc dù thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế BRIC gồm nhóm 6 nước Brasil, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Nam Phi (Hình 1). Lý giải về vấn đề này, nhóm tác giả cho rằng, năng suất của các doanh nghiệp Việt Nam khá cao không phải do đổi mới công nghệ và quản lý mà một phần là do mức độ thâm dụng vốn lớn hơn so với các nước Đông Nam Á khác và ngày càng tăng, và năng suất vốn ở Việt Nam cũng được đánh giá thấp hơn tất cả các nước ở Đông Nam Á hay trong nhóm BRIC. Nếu chỉ thâm dụng vốn và lao động mà không có đổi mới sáng tạo thì các sản phẩm của Việt Nam rất khó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Báo cáo chỉ ra điều này sau khi khảo sát về các loại hình đổi mới (như đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới tổ chức) cũng như các biện pháp cải tiến đầu vào (như các hoạt động R&D). Do vậy, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất của mình không kém gì các doanh nghiệp cùng ngành ở các nước khác trong khu vực, nhưng lại hiếm khi giới thiệu những sản phẩm mới và có những chức năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm hiện có ra thị trường. Cũng theo báo cáo, Việt Nam ở vị trí trung bình về tỉ lệ các công ty gần đây cải tiến quy trình hoạt động (như phương pháp sản xuất/giao nhận, bảo trì, việc thu mua, kế toán) nhưng tỉ trọng số tiền trung bình doanh nghiệp thực chi cho R&D trong tổng doanh thu vẫn thấp hơn hầu hết các nước Đông Nam Á khác và ít doanh nghiệp ở Việt Nam đầu tư vào những nghiên cứu đã được cấp phép hay cấp bằng sáng chế. Cụ thể, khoảng 23% doanh nghiệp Việt Nam tuyên bố đã giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ mới hoặc được cải thiện đáng kể trong vòng ba năm trở lại. Trong khi đó, các quốc gia như Campuchia và Philippines có tỉ lệ này là trên 30%. Số tiền đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 1,6% doanh thu hằng năm) thấp hơn ở Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%) và Campuchia (1,9%).