Không chỉ hỗ trợ ngành y trong quá trình quản lý và khám chữa bệnh, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế còn được kỳ vọng thay đổi thói quen khám chữa bệnh người dân. Thay vì chỉ tìm đến bác sĩ khí có triệu chứng bệnh tật, mọi người có thể chủ động phòng ngừa từ khi bệnh chưa khởi phát, qua đó có được sức khỏe tốt hơn và giúp giảm tải bệnh viện.
Mỗi năm chúng ta khám bệnh bao nhiêu lần?
Đây là câu hỏi mà anh Lê Đức Nguyên –Founder của startup Medon hỏi những người tham gia hội thảo Chuyển đổi số trong y tế trong Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 diễn ra hôm 15/12 vừa qua. “Một lần, hai lần hay nhiều hơn?” – anh Nguyên nói và nhìn những cánh tay thưa thớt đưa lên. Thực tế, đáp án mà anh Nguyên nhận được trùng khớp với số liệu chung về tình hình khám sức khỏe định kỳ hằng năm của người Việt Nam trong năm 2019, tổng số lượt thăm khám là 150 triệu lượt trên 97,3 triệu dân, nghĩa là trung bình mỗi người Việt chỉ thăm khám 1,5 lần/năm. “Ai mà khám 2 lần/năm là mừng” – anh Nguyên nói bởi con số này vô cùng khiêm tốn khi đặt cạnh những quốc gia đứng đầu về chỉ số này như Hàn Quốc 16,6 lần, Nhật Bản là 12,6 lần hay Hungary là 10,9 lần.
Số liệu này phản ảnh nhiều vấn đề trong thực tế mà ngành y đang phải đối mặt. Thứ nhất, đó là tâm lý ngại khám đi khám bệnh của người dân, thứ hai là thói quen thích đi ở tuyến trung ương “cho chắc ăn”, qua đó góp phần làm cho các bệnh viện tuyến đầu đó phải chịu cảnh quá tải từ khâu thăm khám đến điều trị. Những vấn đề này xuất phát từ một trong những nguyên nhân sâu xa là do chưa nhận thức đầy đủ và do thu nhập không cho phép nên không nhiều người Việt có thói quen chăm sóc sức khỏe định kỳ, sàng lọc triệu chứng ban đầu, chỉ đến bệnh viện thăm khám khi có triệu chứng rõ ràng.
“Nhiều trường hợp đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn cuối khó cứu chữa” – anh Lê Đức Nguyên nói ra một sự thật mà nhiều gia đình đang phải đối mặt khi bác sỹ nói rằng “giá biết sớm hơn.”. Không chỉ vậy, thói quen này còn dẫn đến những hệ lụy cho cả một hệ thống y tế khi bệnh nặng thường phải đổ về tuyến trung ương nơi có những chuyên gia đầu ngành, dẫn đến tình trạng quá tải. Con số thống kê được ông Lưu Thế Anh – người phụ trách triển khai nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đưa ra theo thống kê của Bộ Y tế “số giường thực kê vượt quy định 200%, số ngày sử dụng 1 giường lên tới 390 – 774 ngày/năm, một bác sĩ phải khám từ 60 – 100 bệnh nhân/ngày” và hơn hết, hình ảnh người dân xếp hàng từ 3-4 giờ sáng để khám bệnh tại Bạch Mai, Việt Đức… cũng đủ làm nhiều người ngao ngán.
Để giải quyết những bài toán này, y tế từ xa với hồ sơ sức khỏe điện tử theo dõi thường xuyên được xem là lời giải mà ở đó, bệnh nhân không phải cứ có bệnh mới tìm đến bác sỹ mà thực hiện thăm khám định kỳ. Điều này chắc chắn mở ra cơ hội cho bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa như Lai Châu, Hà Giang, Cà Mau… không cần ngồi xe hàng chục tiếng đồng hồ mới có thể được thăm khám tư vấn bởi các chuyên gia đầu ngành, cũng như giải quyết câu chuyện tỷ lệ bác sỹ trên 1.000 dân ở Việt Nam đang ở mức 0,86.
Việc được theo dõi thường xuyên giúp bác sỹ hiểu hơn về sức khỏe của bệnh nhân và đưa ra tư vấn, chỉ dẫn y tế phù hợp khi thấy dấu hiệu bất thường, nhất là với bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch…. “Trong bối cảnh Việt Nam chưa phổ biến hình thức bác sỹ gia đình thì y tế từ xa giúp bệnh nhân có thể đặt khám thường xuyên với một bác sỹ, kết nối 24/7 qua các ứng dụng công nghệ online” – ông Lưu Thế Anh cho biết.
Ở góc độ tổng quan hơn, ông Nguyễn Trường Nam – Cục Phó Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) có cùng quan điểm của đại diện Medon và Viettel khi cho rằng, chuyển đổi số trong y tế thực tế không phải đạt được mục tiêu nào đó quá cao vời, khó tưởng tượng mà chỉ đơn giản là có thể thay đổi tư duy và thói quen của người dân về việc khám chữa bệnh.
“Một trong những tác động của chuyển đổi số đến lĩnh vực y tế là người dân chuyển từ thụ động sang chủ động khám bệnh, theo dõi sức khỏe. Nghĩa là thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử và các ứng dụng được cung cấp, mỗi người dân có thể theo dõi sự thay đổi, phát hiện nguy cơ bệnh sớm và chủ động trong đăng ký khám chữa bệnh từ xa hoặc tới trực tiếp bệnh viện trong trường hợp cần thiết” – ông Nguyễn Trường Nam nói.
Phương tiện cho sự thay đổi
Nếu mục tiêu cuối cùng của y tế là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân khỏi nguy cơ bệnh tật thì việc chuyển đổi số cho y tế cũng để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu này hiệu quả hơn và nhanh hơn. “Chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong đó đặc biệt chú trọng tới công nghệ số hiện đại như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… để dẫn đến sự thay đổi tích cực của các hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe của người dân” – ông Nguyễn Trường Nam nhấn mạnh.
Để có được sự thay đổi này, nhất là với khám bệnh từ xa, các chuyên gia cho rằng hai vấn đề cần có là chính sách và công nghệ, nhất là trong bối cảnh, Bộ Y tế đặt mục tiêu năm 2025 sẽ có 20% lượt khám từ xa, 70% bệnh viện có hệ thống khám chữa bệnh từ xa, 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử kết nối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh.
Về công nghệ, từ doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT… cho đến các startup trong và ngoài nước như Medon, eDoctor, DoctorAnywhere… đều đã và đang xây dựng hoàn thiện hệ thống phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh từ xa cho người dân. Đơn cử như ngày 25/9/2020, Viettel đã cùng Bộ Y tế khánh thành 1000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa trên toàn quốc và sau ba tháng, con số này đã lên tới 1.500 điểm. Trong đó, mô hình mà Viettel Telehealth cung cấp giúp lưu trữ thông tin người bệnh từ khi ra đời cho đến khi mất đi với mọi thông tin từ tiêm chủng đến quá trình chăm sóc sức khoẻ suốt vòng đời… do được kết nối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ trạm y tế xã phường,… cho tới tuyến trung ương. Điều này đảm bảo các dữ liệu sức khỏe của người dân được thông suốt, bác sỹ theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe và có phác đồ điều trị hợp lý.
“Bệnh nhân có thể đăng ký khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở nào trên ứng dụng di động và sẽ có tổng đài hỗ trợ kết nối. Sau đó, bệnh nhân được hướng dẫn nhập dữ liệu lâm sàng, đăng tải thông tin có sẵn và bác sỹ kết nối thăm khám 1-1, nếu cần sẽ chỉ định tới bệnh viện để thực hiện thêm các xét nghiệm hoặc chiếu chụp khác” – ông Lưu Tuấn Anh nói.
Không chỉ ở Viettel, những cách thức như vậy thực tế đã len lỏi vào đời sống của người dân lâu nay. Điển hình như Medon với nền tảng cung cấp dịch vụ tư vấn khám bệnh từ xa sau ba năm hoạt động đã có hơn 200 nghìn người dùng với mạng lưới 11 nghìn bác sỹ. Thời gian Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nền tảng nhận được hơn 1000 lượt gọi video call trong hai tháng thử nghiệm và đang cung cấp 2 nghìn gói khám sức khỏe định kỳ trên nền tảng của mình.
Bắt đầu có những thay đổi tích cực trong cái nhìn của người dân về chủ động chăm sóc sức khỏe của chính mình, dù rằng vẫn đang chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn – nơi mà người dân có điều kiện kinh tế, cập nhật được thông tin mới và có điện thoại thông minh kết nối internet mọi nơi.
Tuy nhiên, để những tập khách hàng như vậy lan rộng giúp cho các mục tiêu chuyển đổi số nhanh chóng trở thành hiện thực, đại diện Viettel cho rằng yếu tố tiên quyết đến từ chính sách của chính phủ với những quy định công nhận kết quả của khám chữa bệnh từ xa và các yếu tố phụ trợ.
“Khi luật thay đổi thì mọi hành vi sẽ thay đổi theo. Để có thể triển khai bệnh án điện tử thì quy định về chữ ký điện tử CA phải được ban hành. Khi bác sỹ tham khám cho bệnh nhân qua ứng dụng điện thoại, các tư vấn kết luận của họ chỉ có giá trị pháp lý khi có chữ kí điện tử” – ông Lưu Thế Anh nói thêm và cho rằng, sắp tới Bộ Y Tế sẽ phải làm một thao tác là số hóa chữ ký của tất cả các bác sỹ. Bởi nếu bệnh án điện tử được hình thành mà không có chữ ký số thì là vô nghĩa. Điều này được cho là để đảm bảo trách nhiệm của bác sỹ khi khám chữa bệnh và kê đơn trong khám chữa bệnh từ xa thay vì chỉ là trò chuyện, tư vấn như hiện tại.
Theo https://khoahocphattrien.vn/