Công nghệ thực tế ảo có xúc giác hỗ trợ phục hồi chức năng
16/01/2025
6 Lượt xem
Nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng vận động tay cho bệnh nhân, nhóm sinh viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo có xúc giác để chế tạo hệ thống phục hồi chức năng.
Công trình "găng tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo" là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và y học để tạo nên thiết bị tiên tiến hỗ trợ phục hồi chức năng vận động tay thông qua công nghệ thực tế ảo. Trong đó, sản phẩm gồm hai phần: phần cứng và phần mềm. Phần cứng là găng tay phản hồi xúc tác, còn phần mềm là môi trường ảo. Xuyên suốt quá trình tập luyện, bác sĩ sẽ thấy bệnh nhân có tiến triển trong quá trình tập luyện hay không.
Thiết bị sử dụng công nghệ thực tế ảo mô phỏng môi trường tương tác trực quan, giúp bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động tay một cách hiệu quả và sinh động hơn. Hệ thống cảm biến tích hợp trong thiết bị có khả năng ghi lại các thông số quan trọng như lực cầm nắm, độ rung của ngón tay hay phạm vi chuyển động. Những dữ liệu này sẽ được phân tích và cung cấp cho bác sĩ, giúp đánh giá tiến trình hồi phục và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
Ngoài ra, với kính ảo, bệnh nhân có thể giảm thiểu cảm giác nhàm chán và áp lực trong quá trình phục hồi chức năng. Các bài tập được thiết kế theo gói với từng độ khó khác nhau cho người bệnh.
Theo các chuyên gia, hiện nay, người bệnh gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ cao trong phục hồi chức năng hoặc nếu có cũng chưa phù hợp với túi tiền người Việt. Kết quả nghiên cứu này có thể giúp giảm bớt gánh nặng nhân lực chăm sóc bệnh nhân, nâng cao việc tập luyện cho bệnh nhân so với việc tập luyện truyền thống. Đặc biệt, sự đa dạng trong không gian ảo có thể giúp bệnh nhân luyện tập tích cực hơn.
Hệ thống mới được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân trong quá trình phục hồi chức năng vận động sau chấn thương - lĩnh vực vốn còn nhiều hạn chế tại Việt Nam. Sản phẩm không chỉ mang lại giá trị thực tiễn cao mà còn hứa hẹn trở thành một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ vào phục hồi chức năng, mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này.