Trước đây, hoạt động bảo tồn đòi hỏi rất nhiều thời gian và nhân lực, nhưng ngày nay nó đang trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn nhờ những sáng tạo công nghệ như scan 3D, máy bay không người lái (drone), định vị GPS, chụp hình vệ tinh hay chụp ảnh độ phân giải cao,…
Trước nguy cơ nhiều di sản trên thế giới bị đe dọa bởi sự bất ổn chính trị và tình trạng bùng nổ dân số toàn cầu, Công ty Cyra Technologies (Orinda, California) thuộc sở hữu của gia đình Ben Kacyra cảm thấy thôi thúc phải làm gì đó để đóng góp vào công việc lưu trữ kỹ thuật số cho các di sản.
Những năm 1990, Cyra Technologies đã được cấp bằng sáng chế và đưa ra thị trường một hệ thống tích hợp bao gồm máy quét laser độ phân giải cao và phần mềm đám mây điểm (point cloud). Mục tiêu của họ khi ấy nhằm phát triển những thiết bị quét di động, an toàn với mắt, có độ chính xác cao và giá thành hợp lý, cùng với phần mềm xử lý và hiển thị hình ảnh.
Một nhân viên của CyArk đang dữ liệu hóa các bức tranh tường tinh xảo ở
tu viện Ananda okkyaung ở Bagan, Myanmar. Ảnh: Twitter.com
Mặc dù, công nghệ 3D này ban đầu được Ben Kacyra định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, quản lý công trình và cả trong ngành công nghiệp giải trí/truyền thông, tuy nhiên sau đó ông nhận ra có thể sử dụng nó để lưu trữ dữ liệu về các di sản với độ chính xác cao. Bởi vậy, năm 2003, Quỹ Gia đình Kacyra đã sáng lập dự án Cyber Archive (CyArk), tập trung vào lĩnh vực lưu trữ kỹ thuật số, giáo dục ý thức cộng đồng và quảng bá du lịch văn hóa tại nhiều khu di tích trên thế giới, dựa trên nền tảng công nghệ quét laser và thiết kế 3D.
Kết hợp cùng một vài công cụ có sẵn, CyArk có thể tạo ra các văn bản ghi chép, chú giải về những di tích lịch sử lâu đời và trong trường hợp xảy ra thảm họa không mong muốn, dữ liệu sẽ được sử dụng để bảo tồn và phục dựng. CyArk đã chia sẻ công nghệ của mình với các trường đại học, những đối tác địa phương để hướng tới mục tiêu bảo tồn bền vững. Nhiều người dân bản địa cũng đã được dự án đào tạo và trang bị công cụ để thực hiện công việc lữu trữ kỹ thuật số.
Trước đây, hoạt động bảo tồn đòi hỏi rất nhiều thời gian và nhân lực, nhưng ngày nay nó đang trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn nhờ những sáng tạo công nghệ như của gia đình Kacyra. Mặc dù các nhà khảo cổ vẫn phải ghi ghép nhiều bằng tay, hay dùng xẻng, bay để đào bới, nhưng họ đã có sự trợ giúp đắc lực của những công cụ mới như: Scan 3D, máy bay không người lái (drone), radar quét mặt đất, LIDAR (hệ thống dùng để vẽ bản đồ địa hình từ trên không bằng tia laser), định vị GPS, chụp hình vệ tinh hay chụp ảnh độ phân giải cao,...
Với hỗ trợ của “đội quân” công nghệ, các tổ chức như Quỹ Di sản toàn cầu (Global Heritage Fund) đã bảo tồn thành công nhiều công trình quan trọng trên khắp thế giới, ở cả những nơi xa xôi nhất, với một tốc độ chưa từng có. Chẳng hạn, công cụ chụp hình 3D đã được sử dụng tại quần thể Banteay Chhmar, Cambodia - di tích cần được bảo vệ, nằm trong danh sách đề cử Di sản thế giới của Unesco. Khu đền đổ nát này là một trong những kỳ quan kiến trúc tại Đông Nam Á của Vương quốc Khmer dưới triều đại Angkor, do không được bảo tồn trong suốt 800 năm qua, tới nay đã gần như đã sụp đổ hoàn toàn.
Các di sản thường bị hủy hoại bởi những nguyên nhân tự nhiên như động đất, lốc xoáy, lũ lụt, và do con người gây ra như chiến tranh, khủng bố, sự đốt phá và tiến trình đô thị hóa. Mặc dù một số địa danh hút khách như thành phố Chichen Itzá của người Maya ở Mexico, hay những vách đá ở vườn Quốc gia Mesa Verde (Colorado, Mỹ) vẫn được bảo vệ khá tốt, song ở nhiều nơi khác, nhất là các thành phố và thị trấn nhỏ, những di sản đang có nguy cơ biến mất do công tác bảo tồn bị bỏ bê vì thiếu kinh phí.
Phần lớn con người đều không nhận ra tầm quan trọng của các di sản, chiếm vị trí trung tâm của nền văn minh, cho tới khi chúng mãi mãi biến mất. Điều đáng buồn là rất nhiều di sản đang quá mong manh để có thể sửa chữa và phục dựng. Bởi vậy, chúng ta càng phải cần tới trợ thủ là công nghệ, giúp sao chép và lưu giữ thông tin về những di sản của quá khứ cho các thế hệ tương lai.