Nội dung trong thỏa thuận hợp tác giữa Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA), Đại học Duy Tân và công ty Sun Edu về đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn, tổ chức sáng 26/1. Theo nội dung hợp tác trong 5 năm, các bên phối hợp đào tạo, mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch cho TP Đà Nẵng. Mục tiêu chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch nhằm đón đầu nhu cầu về lao động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Để thực hiện, các bên cùng tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về thiết kế vi mạch bán dẫn tại TP Đà Nẵng. Phía doanh nghiệp sẽ cung cấp 30 - 50 bản quyền thiết kế (licenses) làm công cụ phục vụ đào tạo. Doanh nghiệp cũng xây dựng chương trình, tài liệu và giới thiệu các chuyên gia, cử đội ngũ phối hợp thực hiện tuyển sinh. Hoạt động này là cơ sở để DHPIZA tham mưu chính quyền TP Đà Nẵng triển khai nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch thời gian tới.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt bày tỏ ủng hộ và cam kết đồng hành cùng TP Đà Nẵng trong phát triển nhân lực vi mạch tại địa phương.
Ông cho biết, hiện hành lang pháp lý cho phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có chip bán dẫn cơ bản đã được hoàn thiện. Tại Luật đầu tư và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi cho các dự án công nghệ cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất chip. Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến phát triển từ năm 2020. Trong đó công nghệ sản xuất vi mạch điện tử tích hợp, vật liệu bán dẫn, mạch điện tử tích hợp là các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: BTC
Về hoạt động hỗ trợ nghiên cứu phát triển, Bộ trưởng Đạt cho biết, thông qua các Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, Bộ đã tổ chức các đề tài nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm. Từ đó năng lực đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch.
Tuy nhiên ông nhìn nhận, một trong những cản trở lớn nhất với Việt Nam để phát triển công nghiệp vi mạch là chất lượng nguồn nhân lực. Ông mong muốn thực tiễn triển khai hoạt động đào tạo nhân lực sẽ cung cấp thêm các luận cứ phục vụ hoạt động hoàn thiện thể chế ưu tiên đầu tư công nghệ cao nói chung và công nghệ vi mạch bán dẫn nói riêng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, một trong các giải pháp hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là sớm phát triển nguồn nhân lực chuyên môn về thiết kế trong nước có trình độ cao, ổn định và cạnh tranh để thu hút các công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới đến hoạt động tại Việt Nam. Hiện, Đà Nẵng tập trung xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, trước mắt tập trung cho thiết kế vi mạch và phát triển nguồn nhân lực ở khâu này.
Ông Chinh cam kết tạo điều kiện để cụ thể hóa các nội dung đã được ký kết giữa các bên, kỳ vọng triển khai hiệu quả đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố.