Những nhà nghiên cứu Đức khi được hỏi về nguyên nhân giúp nền khoa học ở nước họ đang nở rộ đều sẽ nhắc đến Thủ tướng Angela Merkel. Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới này chưa bao giờ quên bản thân là một nhà vật lý học Đông Đức.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Annette Schavan (phải) - người có nhiều đóng góp trong
thay đổi nền học thuật Đức, luôn nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Angela Merkel.
Nguồn: storiesaktuell.blogspot.com.
Trong một thập kỷ của những bất ổn tài chính toàn cầu, chính phủ của bà Merkel vẫn đều đặn tăng ngân sách chi cho khoa học hằng năm một cách rất Đức - ổn định, nhất quán và đầy chất lượng. Điều này khuyến khích sự cạnh tranh giữa các trường đại học và tăng cường hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu được tài trợ bởi Chính phủ. Dưới thời bà Merkel, Đức luôn giữ vị thế dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường; và nhờ đảm bảo hỗ trợ mạnh mẽ cho nghiên cứu cơ bản, các lĩnh vực khác cũng đang dần đón nhận những tác động tích cực. Các nhà khoa học quốc tế đang ngày càng lựa chọn đến Đức làm việc, thay vì chỉ hướng đến Mỹ và Anh như trước đây.
Tuy nhiên, lý do đằng sau thành công của nền khoa học Đức không chỉ là vấn đề ngân sách hay một thứ “hiệu ứng Merkel”, mà còn là nền tảng lâu bền của một quốc gia giàu truyền thống khoa học, theo lời Wolfgang Schön, giám đốc Viện Luật Thuế và Tài chính công Max Planck tại Munich kiêm phó chủ tịch DFG, cơ quan tài trợ chính cho các nghiên cứu khoa học tại đại học.
Từ trước thế kỷ 20 đầy biến động, Đức đã dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ với những chuẩn mực mà nhiều quốc gia hiện vẫn noi theo. Ngày nay, dù phải đối mặt với những tàn tích của hệ thống thứ bậc mà nam giới thống trị và các quy định lâu đời cứng nhắc, nền nghiên cứu của Đức đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt trong xu thế các chính phủ trên thế giới ngày càng thờ ơ với khoa học. “Tôi mong sao những nhà hoạch định chính sách khoa học và ngân sách của chúng ta có thể học hỏi Đức ngay lập tức,” Kenneth Prewitt, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Columbia, New York, bày tỏ.
Cấu trúc của khoa học Đức hiện đại dựa trên ý tưởng được phát triển cách đây hai thế kỷ bởi Wilhelm von Humboldt, nhà giáo dục Phổ, người đi tiên phong trong những ý tưởng vẫn đang tiếp tục lan rộng khắp thế giới. Ví dụ như ông chính là người gợi ý các giáo sư đại học nên vừa làm nghiên cứu trực tiếp vừa giảng dạy.
Triết lý của ông là giáo dục nên vừa rộng mở vừa chuyên sâu, và đời sống học thuật cần được tự do khỏi chính trị và tôn giáo, điều ngày nay vẫn khắc sâu trong tâm tưởng người Đức. “Hệ thống Humboldt đã gắn vào DNA của chúng tôi,” Thorsten Wilhelmy, Tổng thư ký của Viện nghiên cứu cao cấp Berlin, nói. “Đấy là lý do vì sao các chính trị gia không quá bị cám dỗ bởi việc cắt bỏ nghiên cứu cơ bản khi rơi vào thời điểm [ngân sách] khó khăn.”
Những lý tưởng này đã vượt qua những biến động chính trị lớn. Đức Quốc Xã của Adolf Hitler đã lầm lạc về khoa học và khiến đất nước bị hủy hoại. Năm 1949, Đức bị chia cắt làm đôi, từng bên xây dựng lại sức mạnh khoa học của mình dưới những hệ thống chính trị đối lập.
Hiến pháp của nền dân chủ Tây Đức – vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay, tuyên bố rằng: “Nghệ thuật và khoa học, nghiên cứu và giảng dạy phải được tự do”. Để đảm bảo việc tập trung và lạm dụng quyền lực không xảy ra lần nữa, người Tây Đức đã tổ chức đất nước theo chế độ liên bang cao độ, trong đó trách nhiệm về văn hóa, khoa học và giáo dục nằm ở Länder – hay các tiểu bang, điều này có tác động cả tích cực lẫn tiêu cực tới sự phát triển đại học.
Ngược lại, Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR) tổ chức nền khoa học một cách tập trung hóa và giữ sự kiểm soát chặt chẽ. Các nhà khoa học bị cô lập khỏi các đồng nghiệp phương Tây và hệ thống của họ dần trở nên nghèo nàn khi nền kinh tế DDR lụn bại.
Merkel lớn lên trong hệ thống này, bà tốt nghiệp Đại học Karl Marx ở Leipzig năm 1978 với tấm bằng vật lý sau đó chuyển đến làm việc tại Viện Vật lý Hóa học Trung ương ở Berlin – một trong những trung tâm nghiên cứu có uy tín nhất tại DDR. Ở đó, bà đã gặp người chồng thứ hai của mình, nhà hóa học lượng tử Joachim Sauer, và lấy bằng tiến sĩ danh dự. Bà đam mê vật lý nhưng không có cùng niềm đam mê đó với môn giáo dục chính trị bắt buộc. Ở DDR, không ai có được bằng tiến sĩ nếu không có chứng nhận về nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Luận văn của Merkel cho môn này có tựa đề “Phong cách sống chủ nghĩa xã hội là gì?” được chấp nhận với điểm đậu thấp nhất.
Khi hai nước Đức thống nhất vào năm 1980, các ủy ban đặc biệt của Tây Đức đã đánh giá năng lực của các nhà khoa học Đông Đức. Nhiều người mất việc nhưng Sauer được chấp nhận chuyển sang Đại học Humboldt ở Berlin. Merkel, người chưa chính thức công khai lập trường chính trị trước đây, đã bước vào chính trường và sớm gia nhập Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu. Bà đã leo lên đỉnh cao quyền lực và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức vào năm 2005. Bà đã chiến thắng ở các cuộc bầu cử liên bang và đến nay vẫn tiếp tục giữ vững vị trí của mình.