Đánh giá tác động của chính sách - công cụ đo lường tác động tiềm ẩn về thay đổi chính sách
18/09/2024
73 Lượt xem
Báo cáo đánh giá tác động của chính sách là tài liệu rất quan trọng để cơ quan thẩm định, thẩm tra đánh giá chính sách theo các nội dung thẩm định, thẩm tra và đặc biệt là các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách nhìn nhận rõ tác động lên các mặt của đời sống, kinh tế, xã hội nếu chính sách được ban hành và thực thi.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đoàn Thanh Thọ - Trưởng ban Pháp chế - Thanh tra, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, chính sách được thể hiện thông qua văn bản của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có chứa quy phạm khác.
Trong đó, văn bản của Đảng bao gồm Nghị quyết, văn kiện, chỉ thị của Đảng; Văn bản quy phạm pháp luật bao gồm Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH, Thông tư (QCVN), Thông tư liên tịch, Nghị quyết của HĐTP, Nghị quyết HĐND các cấp; Văn bản có chứa quy phạm khác bao gồm Quyết định cá biệt của Bộ trưởng (TCVN), Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ĐLVN), Chủ tịch UBND các cấp…
Đề cập đến nội dung chính sách, ông Thọ cho biết, chính sách bao gồm điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể; điều chỉnh trực tiếp hành vi của chủ thể; điều chỉnh hành vi của chủ thể thông qua việc tác động, ảnh hưởng tới khách thể; định hướng hành vi.
Các bước xây dựng chính sách trong lập đề nghị xây dựng VBQPPL gồm 6 bước, bước thứ nhất là xây dựng nội dung chính sách; Xác định vấn đề, mục tiêu chính sách; Dự kiến các giải pháp chính sách; Bước thứ hai là đánh giá tác động chính sách, các giải pháp chính sách (dự kiến); Bước thứ ba là lập hồ sơ đề nghị xây dựng VBQPPL; Bước thứ tư là lấy ý kiến về đề nghị xây dựng VBQPPL; Bước thứ năm là thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL; Bước thứ sáu là thông qua đề nghị xây dựng VBQPPL.
Ông Thọ cũng chia sẻ thêm về các bước xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách trong lập đề nghị xây dựng VBQPP, bao gồm 5 bước. Trong đó, bước 1 là xây dựng nội dung chính sách, cụ thể xác định vấn đề cần giải quyết, nguyên nhân của từng vấn đề; Xác định mục tiêu tổng thể, mục tiêu cụ thể cần đạt được khi giải quyết vấn đề; Xác định (dự kiến) các giải pháp để giải quyết từng vấn đề; Xác định các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, đối tượng chịu trách nhiệm thực hiện chính sách; Xác định (dự kiến) thẩm quyền, hình thức ban hành chính sách để giải quyết vấn đề.
Bước 2 là đánh giá tác động chính sách, cụ thể tác động kinh tế, tác động xã hội, tác động về TTHC (nếu có), tác động về giới, tác động đối với hệ thống pháp luật;
Bước 3 là đề xuất lựa chọn và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách – TTHC, cụ thể tổng hợp, so sánh kết quả đánh giá tác động chính sách và đề xuất giải pháp lựa chọn; Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách.
Bước 4 là lấy ý kiến dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách (RIA), cụ thể Lấy ý kiến Báo cáo RIA gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Lấy ý kiến trong quá trình thực hiện ĐGTĐCS; Giai đoạn 2: Lấy ý kiến góp ý, phản biện dự thảo báo cáo ĐGTĐCS; tiếp thu, chỉnh lý dự thảo báo cáo.
Trong giai đoạn 1 cần xác định đối tượng, phạm vi, nội dung lấy ý kiến; Tổ chức lấy ý kiến trong quá trình ĐGTĐCS; Xử lý kết quả lấy ý kiến, số liệu thu thập được để thực hiện việc đánh giá, xây dựng dự thảo Báo cáo RIA. Trong giai đoạn 2 cần chỉnh lý dự thảo Báo cáo RIA, tiếp thu, giải trình các ý kiến;
Bước 5 là hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách, cụ thể trình cơ quan có thẩm quyền.