Đẩy mạnh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng
28/11/2024
12 Lượt xem
Thảo luận ở hội trường sáng 26/11 về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, các ĐBQH đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn, toàn diện hơn về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện và dự báo trong thời gian sắp tới để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, đồng thời cần có giải pháp quyết liệt hơn để phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn tiếp tục tiếp tục diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng như tội phạm giết người; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm ma túy; chống người thi hành công vụ; tội phạm kinh tế, tham nhũng, v.v.. Đáng chú ý, đại biểu nhận thấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài và chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân… đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Một trong những hình thức phổ biến của tội phạm trong lĩnh vực này là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn và ổn định của an ninh mạng và của xã hội của nước ta. Có thể nói, sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin mạng viễn thông nói riêng đã trở thành một môi trường cho tội phạm mới.
Trước thực trạng trên, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và liên tục có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân được biết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Đề nghị các cơ quan chức năng khai thác có hiệu quả tiện ích của các trang mạng xã hội để đăng tải, cập nhật các thông tin cảnh báo về tội phạm, hành vi, thủ đoạn tội phạm phù hợp với diễn biến tình hình mới, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi. Đồng thời cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng.
Cùng quan tâm đến tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu rõ, năm 2024, lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật. Với trên 161 triệu thuê bao di động cả nước hiện nay, nguy cơ dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt, bị mua bán vẫn đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng, gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương nhận thấy, việc mua bán thông tin cá nhân trên không gian mạng diễn ra công khai, trắng trợn với những thông tin chi tiết được rao bán từ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản, chức vụ, thậm chí các trang web còn ghi rõ số điện thoại để người có nhu cầu liên hệ dễ dàng thương lượng, mua bán.
Tuy nhiên hiện tại, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có Nghị định số 13 năm 2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngoài ra chưa có văn bản luật nào quy định về vấn đề này. Chính vì vậy, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng vào sự ra đời của Luật Dữ liệu, đồng thời kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo cho các ngành chức năng tích cực hơn nữa trong việc tìm các giải pháp hiệu quả, sớm chấn chỉnh tình trạng này để thông tin của mỗi cá nhân sẽ được giữ gìn và bảo vệ, nhất là trên không gian mạng.