PGS.TS Trần Hoàng Dũng đề xuất xây dựng dữ liệu bộ gene của người TP HCM làm cơ sở tạo "căn cước" di truyền, phục vụ nghiên cứu, khám chữa bệnh cho người dân.
PGS Dũng là Giảng viên công nghệ sinh học nông nghiệp và y dược, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM. Ông nêu ý kiến tại hội nghị góp ý dự thảo triển khai Nghị quyết 36 về phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học, do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức sáng 17/3.
Theo ông Dũng, trước đây công nghệ sinh học trong y dược thực hiện các nghiên cứu để tạo ra thực phẩm bổ sung, thuốc, vaccine... phục vụ con người. Nhưng hiện nay, xu hướng chuyển đổi ngược lại, lấy con người làm trung tâm hướng đến nghiên cứu từ bộ gene người. Từ xu hướng này, ông cho rằng, thành phố cần quan tâm đến việc xây dựng dữ liệu giải trình tự hệ gene đặc trưng cho người TP HCM để hiểu rõ bản chất từ bộ gene của họ. Điều này giúp thành phố có những biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân theo đặc trưng cho mỗi người. "Đây cũng là cơ sở xây dựng một dạng căn cước di truyền đặc trưng cho từng người dân", PGS Dũng nói. Từ dữ liệu gene, từng người dân cũng hiểu được mình sẽ dễ bị mắc bệnh gì trong tương lai. Bác sĩ sẽ định hình phác đồ điều trị cho riêng người trên cơ sở sự nhạy cảm về thuốc, loại thuốc chữa bệnh... Điều này giúp người dân chủ động trong chăm sóc sức khỏe từ lúc nhỏ đến khi về già.
Nghiên cứu tại Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp HCM. Ảnh: Hà An
Theo ông Dũng, việc quản lý dữ liệu gene của người dân phải do cơ quan nhà nước thực hiện và đảm bảo tính bảo mật cao vì chứa những thông tin về sức khỏe. Ông cho rằng, thế giới đang theo xu hướng này, Việt Nam mới chỉ một số đơn vị tư nhân thực hiện các nghiên cứu về giải trình tự gene quy mô nhỏ. "TP HCM cần có chiến lược riêng cho lĩnh vực công nghệ sinh học trong y dược và chăm sóc sức khỏe hướng đến việc chuyên gia ngành công nghệ sinh học nghiên cứu đọc được bộ gene người từ đó đưa thông tin đến bác sĩ để xây dựng phác đồ điều trị", ông đề xuất.
Theo dự thảo triển khai Nghị quyết 36 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển ngành công nghệ sinh học, TP HCM đặt mục tiêu đến 2030 trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của thành phố. Doanh nghiệp công nghệ sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu, đóng góp 7% GRDP, đảm bảo nhu cầu thiết yếu xã hội. Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong y tế theo hướng tập trung nghiên cứu sản xuất thuốc, vaccine đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh người dân và phòng chống dịch; tập trung nghiên cứu tế bào gốc trong dược phẩm, công nghệ gene, sản xuất nguyên liệu và thuốc sinh học, thực phẩm chức năng từ thảo dược. Thành phố cũng tập trung xây dựng nhân lực, chính sách, phát triển các ứng dụng trong ngành.
Tại hội thảo, các chuyên gia đóng góp ý kiến về cơ chế xây dựng trung tâm công nghệ sinh học quốc gia phía Nam trên cơ sở Trung tâm Công nhệ sinh học TP HCM, đào tạo nhân lực, kết nối doanh nghiệp - trường viện trong các nghiên cứu về công nghệ sinh học...
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp làm cơ sở tham mưu UBND thành phố xây dựng văn bản cụ thể hóa các mục tiêu, chương trình nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Bà cho biết, thành phố đang xây dựng chính sách ưu đãi cho vị trí lãnh đạo, nhà khoa học tham gia nghiên cứu cơ chế thu nhập tốt hơn. Cùng với đó là phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc giúp giải quyết các bài toán lớn của thành phố trong lĩnh vực công nghệ sinh học.