Điện Biên ban hành quy chuẩn địa phương về chất lượng nước sạch
23/10/2024
26 Lượt xem
Nhiều khu vực vẫn còn thiếu nước sạch sinh hoạt gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe
Nguồn nước sinh hoạt vô cùng quan trọng trong các hoạt động sinh hoạt và sản xuất hằng ngày. Tuy nhiên, tác nhân chính ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, gây ra các bệnh cho con người và tuổi thọ của các thiết bị, dụng cụ trong gia đình lại chính là nguồn nước sinh hoạt.
Do rất nhiều người đều lầm tưởng rằng nguồn nước sinh hoạt từ: Nước giếng khoan, nước mưa, nước máy nhìn rất trong là đủ sạch để dùng rồi mà chủ quan không kiểm nghiệm chất lượng. Việc kiểm nghiệm chất lượng sẽ cho thấy nước có chứa các tạp chất, kim loại nặng, chất độc hại gây nguy hiểm tới sức khỏe con người hay không. Các chất đó là tác nhân chính gây ra các bệnh nguy hiểm như: Ung thư, sỏi thận, sỏi mật, các bệnh đường ruột, bệnh ngoài da. Các chất như vậy còn làm hỏng hóc, giảm tuổi thọ của các dụng cụ, thiết bị trong gia đình như: Ấm nước, máy giặt, bình nóng lạnh, máy lọc nước gia đình, vòi nước, bồn nước, bồn rửa mặt, bồn tắm, chậu.
Trong khi đó, hiện nay cũng giống như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều năm qua, người dân các xã vùng cao của tỉnh Điện Biên phải vật lộn với cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Một trong những nguyên nhân là do thiếu công trình nước sinh hoạt, hoặc đã được đầu tư nhưng xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả. Đa phần các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy, nguồn nước không ổn định, thường chỉ giải quyết được một khoảng thời gian trong mùa khô.
Ngoài ra việc quản lý vận hành các công trình nước sinh hoạt sau đầu tư cũng chưa được người dân quan tâm khiến nhiều công trình chưa phát huy được hiệu quả. Cùng với đó do không có kinh phí quản lý và sửa chữa hệ thống công trình bị hư hỏng, xuống cấp cộng thêm diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp khiến cho nước ở các khe suối ngày càng cạn kiệt.
Điện Biên ban hành quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt. Ảnh minh họa
Ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch
Ðể khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp đầu tư xây mới, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ bồn, téc nước cho người dân; tăng cường tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn nước, không chặt phá rừng. Hiện toàn tỉnh có gần 1.100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, bảo đảm cấp nước sạch cho gần 100% dân số khu vực thành thị và cấp nước hợp vệ sinh cho 85% dân số khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư như: trồng rừng, tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Đặc biệt Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương QCĐP 01: 2023/ĐB về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhằm quy định mức giới hạn các thông số chất lượng đối với nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn, bán lẻ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh. Các đơn vị cấp nước thực hiện hoạt động khai thác, sản xuất nước sạch ở tỉnh, thành phố khác (ngoài tỉnh Điện Biên) để cung cấp nước sạch cho tỉnh Điện Biên không áp dụng quy chuẩn này mà áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương tại tỉnh, thành phố nơi đơn vị có hoạt động khai thác, sản xuất.
Quy chuẩn này không áp dụng đối với nước uống trực tiếp tại vòi, nước đóng bình, đóng chai, nước khoáng thiên nhiên đóng bình, đóng chai, nước sản xuất ra từ các bình lọc nước, hệ thống lọc nước và các loại nước không dùng cho mục đích sinh hoạt.
Theo quy định danh mục các thông số chất lượng nước sạch, ngưỡng giới hạn cho phép cụ thể các thông số nhóm A vi sinh vật gồm: Coliform ngưỡng cho phép là dưới 3 CFU/100 mL; E.Coli hoặc Coliform chịu nhiệt dưới 1 CFU/100 mL.
Thông số cảm quan và vô cơ gồm: Arsenic ngưỡng giới hạn là 0,01mg/L; Clo dư tự do trong khoảng 0,2 - 1,0 mg/L; Độ đục ngưỡng 2 NTU; Màu sắc ngưỡng 15 TCU; Không có mùi vị; Độ pH ở ngưỡng trong khoảng từ 6,0 đến 8,5 TCU.
Các thông số nhóm B gồm: vi sinh vật tụ cầu vàng dưới 1 CFU/100mL; Trực khuẩn mủ xanh dưới 1 CFU/100mL. Thông số vô cơ như Cadmi ngưỡng 0,003mg/L; Amoni là 0,3mg/L; Chì là 0,01; Thủy ngân là 0,001; Xyanua là 0,05...
Quy chuẩn này cũng quy định việc thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch phải được thực hiện tại phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận được công nhận phù hợp với TCVN ISO/IEC 17025. Trong đó thông số chất lượng nước sạch nhóm A tất cả các đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm định kỳ theo quy định tại quy chuẩn này. Thông số chất lượng nước sạch nhóm B tất cả các đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm định kỳ theo quy định tại quy chuẩn này.
Đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm toàn bộ 99 thông số chất lượng nước sạch theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; Thông tư số 26/2021/TT-BYT ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Quy định về thử nghiệm định kỳ thì tần suất thử nghiệm đối với các thông số chất lượng nước sạch nhóm A không ít hơn 01 lần/1 tháng. Tần suất thử nghiệm đối với các thông số chất lượng nước sạch nhóm B không ít hơn 01 lần/6 tháng. Phương pháp lấy mẫu và thử nghiệm thông số chất lượng nước sạch được quy định tại QCVN 01-1: 2018/BYT.
Yêu cầu về công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại Điều 8 của QCVN 01-1:2018/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT. Quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt được thực hiện theo quy định tại Điều 2 của Thông tư số 41/2018/TT-BYT.
Quy chuẩn này cũng quy định trách nhiệm của Sở Y tế phải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai việc thực hiện quy chuẩn này trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy chuẩn này. Tiếp nhận bản công hợp quy của đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng kế hoạch, bảo đảm nhân lực, trang thiết bị và bố trí kinh phí cho việc thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, giám sát chất lượng nước do hộ gia đình tự khai thác ở vùng có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước để có biện pháp đảm bảo sức khỏe người dân. Tiếp nhận, tổng hợp các đề xuất của đơn vị cấp nước trên địa bàn và các đơn vị có liên quan, kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung quy chuẩn này phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn tại địa phương.