Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024
31/05/2024
35 Lượt xem
Tới dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng sự tham dự của hơn 2.000 lượt đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia đến từ 17 nền kinh tế trong khu vực, 35 tỉnh thành phố trên cả nước.
Quang cảnh Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh-phát triển kinh tế số, hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của cả thế giới chứ không riêng của Việt Nam và đây có lẽ là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để Việt Nam hướng tới một tương lai ngày càng tươi sáng. Chuyển đổi số đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đối với chuyển đổi xanh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải…
Phó Thủ tướng đánh giá trong thời gian qua, chuyển đổi số đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, giúp chúng ta tự tin hơn, hào ứng hơn, và cũng nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Chuyển đổi số được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, từ tư pháp, nông nghiệp, ngân hàng….; có sự đầu tư khá mạnh mẽ và nhanh chóng cho hạ tầng số (81,7% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng và 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang). Doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó FPT có sự khởi đầu ngoạn mục và ngày càng có vị thế cao hơn, tốt hơn trong cuộc cạnh tranh chung của khu vực. Doanh thu của lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 142 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ký thỏa thuận đầu tư với các tập đoàn lớn trong sản xuất chíp, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, ô tô điện.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế như không phải ai cũng quan tâm đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kể cả những người có trách nhiệm và không phải ai cũng thích sự minh bạch nên muốn làm theo cách truyền thống. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách, thể chế thực sự chưa tạo ra một "đường băng" để cho mọi việc cất cánh; hạ tầng số, nền tảng cho tăng trưởng xanh có sự phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực chưa thực sự được ưu tiên và chưa được ứng xử như là một lĩnh vực tiên phong; còn có những chỉ số thấp trên bảng xếp hạng thế giới. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự nhìn nhận đúng mức, đúng mực về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trước hết là để "thông về tư tưởng", từ đó mới tự tin làm, để dám dấn thân bởi nếu không dấn thân thì khó có kết quả. Phó Thủ tướng cho rằng cần chú trọng đầu tư hạ tầng số, đặc biệt là những lĩnh vực, khu vực có nhu cầu và có tác động lan tỏa đến sự phát triển và phải được thực hiện theo thứ tự ưu tiên vì nguồn lực ngân sách không đủ làm tất cả mọi việc, có thể dùng để làm vốn mồi, đồng thời phải phải huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải cố gắng khai thác, tận dụng tốt những thành tựu của thế giới thông qua hợp tác quốc tế, thu hút các dự án FDI, hay phát huy vai trò cầu nối của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của đầu thế kỷ 21. Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đi với nhau và hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì cũng phải dùng chuyển đổi xanh. Hai chuyển đổi này cũng sẽ bảo đảm cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng, năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%. Và cũng trong năm 2020, kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Song, đến năm 2023, kinh tế số theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20%. Riêng hai lĩnh vực chuyển đổi số và và chuyển đổi xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước từ 2 đến 4 lần.
Tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Vinasa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT chia sẻ: Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số tại cả Việt Nam và châu Á. Thế giới đang bước sang giai đoạn phát triển thông minh hoá với hai xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vừa là động lực, là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. "Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Đồng thời, cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trong điểm này.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh là hướng tới mô hình phát triển thân thiện với môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để sản xuất, tiêu dùng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải, từ đó tạo nên một nền kinh tế xanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Chuyển đổi số là hướng tới mô hình phát triển thông minh dựa trên ứng dụng các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo để hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn, tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu hao phí tài nguyên, năng lượng, tạo ra giá trị mới, từ đó tạo nên một nền kinh tế xã hội số.
Sau phiên khai mạc, ngày 29/5/2024 sẽ diễn ra 7 phiên Hội thảo, hội nghị, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024. Ngoài ra, Diễn đàn còn tổ chức hoạt động triển lãm trưng bày các giải pháp chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ, và các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.