Diễn đàn mở “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”
13/09/2018
207 Lượt xem
Ngày 11/9/2018, trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018, Bộ KH&CN phối hợp với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tổ chức Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và Chủ tịch điều hành WEF - Giáo sư Klaus Schwab đồng chủ trì Diễn đàn. Diễn đàn có sự tham gia của nhiều diễn giả có uy tín trong và ngoài nước với khoảng 1.000 đại biểu, gồm các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức liên quan đến khởi nghiệpvà sinh viên.
GS Klaus Schwab Phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch WEF ASEAN Klaus Schwab cho rằng so với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) toàn diện hơn, với những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, robot… Chủ tịch Klaus Schwab khẳng định, CMCN 4.0 sẽ định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức chúng ta giao tiếp, thậm chí là cách chúng ta sống. Là một trong những nhà kinh tế học đi tiên phong, dành nhiều thời gian nghiên cứu về CMCN4.0, ông khẳng định, “CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng tới không chỉ cách con người làm việc như thế nào, mà còn định nghĩa lại xem chúng ta là ai”. Theo ông, kết thúc cuộc CMCN 4.0 này, con người sẽ chứng kiến sự kết hợp giữa công nghệ số, vật chất và tinh thần. Ông Klaus Schwab cho rằng, đặc điểm nổi bật của cuộc CMCN 4.0 này là tốc độ - khi ông còn làm một kỹ sư, ông đã được chứng kiến sự thay đổi ấy: Những thứ mà vài năm trước tưởng chừng như bất khả thi, thì chỉ vài năm sau đã trở thành hiện thực.
Theo Klaus Schwab, những ai muốn thành công trong tương lai cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc CMCN 4.0. Đầu tiên, họ cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của sự chuyển mình này. Yếu tố quan trọng nhất, theo ông Klaus Schwab, là xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ càng cho những gì sắp tới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ngay cả khi trọng tâm của CMCN 4.0 là công nghệ, con người vẫn không nên trở nên quá phụ thuộc vào chúng, mà nên nắm bắt, tận dụng những công nghệ này để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông Klaus Schwab đánh giá cao việc tổ chức WEF tại Việt Nam, một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trong khu vực, với nhiều dự án khởi nghiệp năng động, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tiến tới CMCN 4.0 sắp tới. Ông mong rằng đây sẽ là nơi để lãnh đạo những dự án này có thể trao đổi kinh nghiệm, tìm ra hướng đi trong thời gian tới. Ông cũng nhấn mạnh về vai trò then chốt của giới trẻ như một lực lượng chủ chốt trong thời đại CMCN 4.0 sắp tới.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. Ở đó, cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng cho biết, đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc CMCN 4.0. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tầm nhìn đến năm 2035; kịch bản CMCN 4.0 cho Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động, Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh mong muốn sẽ nhận được nhiều sự hợp tác của các chuyên gia WEF để thúc đẩy phát triển KH&CN trong các nước ASEAN
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ mong muốn của Việt Nam được tăng cường trao đổi, đối thoại và nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, hợp tác từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp của WEF, đặc biệt là cá nhân Giáo sư Klaus Schwab về các giải pháp, chương trình hành động thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong ASEAN. Đồng thời, tăng cường năng lực liên kết giữa các nước ASEAN về đổi mới sáng tạo để phát huy tốt nhất những thời cơ, ứng phó hiệu quả với những thách thức của cuộc CMCN 4.0.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề xuất Hội nghị tập trung thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0.
Tại Diễn đàn mở, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đã tập trung trao đổi và thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần xây dựng nền kinh tế, xã hội các quốc gia ASEAN ngày càng trở nên thông minh, hiệu quả hơn.
Trước khi Diễn đàn khai mạc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Giáo sư Klaus Schwab đã có buổi gặp mặt. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao và cảm ơn sáng kiến của WEF và cá nhân ngài Chủ tịch điều hành WEF đã tổ chức Diễn đàn mở về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp thu các thông tin giá trị từ cộng đồng trong và ngoài nước, từ các chuyên gia của WEF và của cá nhân ngài Chủ tịch để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tầm nhìn đến năm 2035 và kịch bản cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Giáo sư Klaus Schwab đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ KH&CN, trong việc thiết lập cơ chế chính sách cho việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0, thúc đẩy môi trường kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, là tạo môi trường sẵn sàng thay đổi với các công nghệ mới, làm chủ và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot. Giáo sư Klaus Schwab cho biết WEF đã mở trung tâm về CMCN 4.0 tại Bắc Kinh, Singapo và trong 12 tháng tới sẽ tập trung xây dựng tại Việt Nam.