Định hướng triển khai hoạt động tiêu chuẩn hóa đối với công nghiệp sản xuất chip bán dẫn
20/11/2024
4 Lượt xem
Công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang thay đổi và điều chỉnh lớn, xuất hiện những xu thế mới tạo cơ hội thúc đẩy khả năng tự chủ và phát triển năng lực sản xuất bán dẫn quốc gia. Ngành công nghiệp bán dẫn với vai trò then chốt trong nền kinh tế số đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Sản phẩm bán dẫn đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội.
Trước đây, chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đã phát triển theo hướng chuyên môn hóa cao, tập trung tại một số ít quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ; không có quốc gia nào có khả năng tự chủ hoàn toàn trong lĩnh vực bán dẫn. Trong những năm gần đây, các quốc gia lớn đã có sự cạnh tranh gay gắt dẫn đến việc phải điều chỉnh chiến lược bán dẫn theo hướng nâng cao năng lực trong nước và đẩy mạnh đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Việt Nam có lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; là quốc gia có nền chính trị ổn định, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất; có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn.
Việt Nam có tiềm năng về trữ lượng đất hiếm, ước đạt khoảng 20 triệu tấn; là 01 trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, có tỷ lệ dân số trẻ, có lợi thế nhân lực có năng lực về STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngày 21 tháng 9 năm 2024 Thủ tướng Chính ban hành Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó, tầm nhìn đến năm 2050 Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2024-2030) tận dụng lợi thế địa chính, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói đến kiểm thử của công nghiệp bán dẫn; Giai đoạn 2 (2030-2040) trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI; Giai đoạn 3 (2040-2050) trở thành quốc gia thuộc nhóm quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo lộ trình 3 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể như sau:
Giai đoạn 1 (2024 – 2030): Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 01 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành, lĩnh vực; Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 – 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 – 15%; Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Giai đoạn 2 (2030 – 2040): Phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 02 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng; Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 – 20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 – 20%; Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Giai đoạn 3 (2040 – 2050): Hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 03 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn; Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 – 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 – 25%; Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển; Hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.
Hiện nay, tiêu chuẩn phòng sạch trong sản xuất chip bán dẫn theo Tiêu chuẩn Liên bang 209E (FED-STD-209E), là tiêu chuẩn của Liên bang Mỹ, liên quan đến phân loại độ sạch không khí được sử dụng trong phòng sạch, được phân thành 6 cấp: Cấp 1, cấp 10, cấp 100, cấp 1 000, cấp 10 000 và cấp 100 000. Phân loại các cấp này dựa trên số lượng hạt bụi có kích thước từ 0,1 µm đến 0,5 µm trong một foot khối (ft3) không khí.
Tiêu chuẩn này đã bị thay thế bởi tiêu chuẩn ISO 14644-1 vào năm 2001. Tiêu chuẩn ISO 14644-1, phòng sạch được phân thành 9 cấp từ ISO 1 đến ISO 9. Cấp này dựa trên nồng độ tối đa cho phép của các hạt có kích thước từ 0,1 µm đến 5,0 µm trong một mét khối (m3) không khí. Tiêu chuẩn này được ứng dụng trong sản xuất hàng không vũ trụ, chip và bán dẫn.
Bộ ISO 14644 được sử dụng để thiết kế, xây dựng, xác nhận và vận hành phòng sạch. Bộ tiêu chuẩn này gồm 17 tiêu chuẩn: ISO 14644-1, -2, -3, -4, -5, -7, -8, -9, -10, -12, -13, -14, -15. -16, -17, -18, -21. Ban kỹ thuật ISO/TC 209 - Kiểm soát phòng sạch và môi trường xây dựng.
Việt Nam đã xây dựng 8 TCVN về phòng sạch: TCVN 8664-1 – TCVN 8664-8. Kế hoạch năm 2025-2026 là soát xét 4 TCVN 8664; Xây dựng 12 TCVN theo hướng tương đương ISO 14644; Xây dựng 12 TCVN về Kiểm soát các thành phần môi trường (Bụi, khí, nước, vật tư tiêu hao,…).
Tiêu chuẩn về thiết bị bán dẫn: IEC/TC 47 đã xây dựng 144 tiêu chuẩn IEC (chưa kể tiêu chuẩn của các SC xây dựng); TCVN/TC/E3 - Thiết bị điện tử dân dụng: Đã xây dựng 136 tiêu chuẩn gồm một số bộ tiêu chuẩn như TCVN 11344, Linh kiện bán dẫn – Phương pháp thử nghiệm cơ khí và khí hậu (35 TCVN); TCVN 6611, Tấm mạch in/Khối lắp ráp tấm mạch in (17 TCVN); Linh kiện điện tử (43 TCVN).