Đưa công nghệ lọc nước siêu tinh khiết vào phòng thí nghiệm
18/10/2022
62 Lượt xem
Maxdream, startup Việt đầu tiên phát triển công nghệ lọc nước siêu tinh khiết, đang xem xét khả năng thay thế những hệ nước hiện được dùng trong các phòng thí nghiệm bằng công nghệ của mình.
TS. Đỗ Hữu Quyết (phải) giải thích về công nghệ nước siêu tinh khiết CDI với các giảng viên, nhà nghiên cứu tạiViện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) ngày 14/10 | Ảnh: BTC
Các phòng thí nghiệm luôn đòi hỏi nước có độ tinh khiết cao – từ nước loại III (nước RO) để làm những việc không quan trọng như rửa ống nghiệm, cấp nước cho bể điều nhiệt đến nước loại II dùng cho các hoạt động lab cơ bản như phân tích vi sinh, điện hóa, đo quang phổ chung, và nước loại I (nước siêu tinh khiết) dùng trên những quy trình phân tích nâng cao như nuôi cấy tế bào, sinh học phân tử hay đo khối phổ plasma.
Một cách lý tưởng, nước loại I có thể dùng trong tất cả công việc của nước loại II và loại III. Điều này giúp tránh tạo ra các sản phẩm phụ trong quá trình phản ứng. Có nhiều yếu tố quyết định độ tinh khiết của nước dùng trong phòng thí nghiệm, gồm: độ dẫn điện, điện trở suất của nước, tỷ lệ chất hữu cơ, nồng độ chất lơ lửng, sự có mặt của các vi khuẩn/ vi sinh vật …
TS. Đỗ Hữu Quyết, đồng sáng lập Maxdream, cho biết, công nghệ lọc nước thẩm thấu ngược (Reverse Osmosis – RO) hiện nay có thể tạo ra nước tinh khiết (loại III), trong khi để tạo ra được nước siêu tinh khiết loại II và loại I cần sử dụng đến những công nghệ phức tạp hơn như công nghệ điện cực hóa (Electrodeionization – EDI) hoặc công nghệ khử ion điện dung (Capacitive Deionization – CDI)
Công nghệ CDI do TS. Quyết phát triển - đã được cấp bằng sáng chế tại Việt Nam - có thể lọc được từ 80-95% các ion trong nước, khử trên 99% vi khuẩn và thu hồi được gần như toàn bộ lượng nước đem lọc. Đây là công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới để xử lý các chất hòa tan trong nước, đặc biệt là nước mặn. Nó dùng điện cực đặt song song với dòng nước để hút các ion hòa tan theo nguyên tắc: điện cực âm hút ion dương – điện cực dương hút ion âm.
TS. Quyết cho biết, so với công nghệ EDI, công nghệ CDI mà Maxdream đang làm chủ có thể tạo ra nước siêu tinh khiết loại I dùng trong phòng thí nghiệm với chất lượng ổn định, lưu lượng cao hơn và chi phí thấp hơn (do không phải nhập khẩu từ nước ngoài). Cụ thể, sản phẩm có độ dẫn điện nước dưới < 0.1 µS/cm, lưu lượng nước 40 lít/giờ, sử dụng điện áp 1,5 V với công suất điện 200W.
Maxdream đã sử dụng công nghệ lọc nước CDI này để phát triển nhiều dòng sản phẩm khác nhau - gồm các thiết bị lọc nước sinh hoạt, máy lọc nước đầu nguồn dùng cho các hộ gia đình và công nghiệp. Tùy theo nhu cầu sử dụng, các thiết kế có thể được điều chỉnh để tạo ra nước có độ tinh khiết khác nhau. Giờ đây, startup này đang muốn đưa công nghệ lọc nước CDI vào các phòng thí nghiệm.
Nơi đầu tiên được Maxdream giới thiệu công nghệ CDI là Viện Vật lý kỹ thuật - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
TS. Nguyễn Công Tú (ĐH Bách khoa Hà Nội), người trực tiếp tham gia theo dõi, sử dụng và kiểm định máy lọc nước CDI trong hơn một tháng, cho biết, nước lọc bằng công nghệ CDI có nồng độ các chất lơ lửng, độ dẫn điện tương đương với hệ lọc nước cất hai lần mà Viện đang sử dụng cho các thí nghiệm nhưng thời gian lọc nhanh hơn do không phải chờ nước làm nóng và làm mát như hệ lọc nước cất hai lần. TS. Tú nói thêm, Viện đang liên hệ với các tổ chức chứng nhận độc lập như QUATEST để kiểm tra một số thông số khác.
Ngày 14/10 vừa qua, Maxdream đã chính thức tặng máy lọc nước CDI cho Viện Vật lý kỹ thuật với mong muốn Viện tiếp tục sử dụng, đánh giá và hỗ trợ góp ý giúp startup này tối ưu hóa thiết kế sản phẩm cho phù hợp với điều kiện phòng thí nghiệm.
Maxdream còn tài trợ thiết bị máy lọc ứng dụng công nghệ CDI cho ĐH Công nghệ Lappeenranta-Lahti (LUT), Phần Lan và sắp tới sẽ đẩy mạnh việc giới thiệu những hệ thống lọc nước tương tự tới các công ty dược phẩm ở Việt Nam.