Không chỉ kết nối bệnh nhân với nhà thuốc, phòng khám, Enet MeetDoctor đang nỗ lực kết nối với các đơn vị lữ hành để tạo thành một hệ sinh thái du lịch y tế (medical tourism) trong thời gian tới.
Một bác sĩ tại phòng khám Mekong Sa Đéc. Đây là một trong những phòng khám đã ứng dụng phần mềm Enet MeetDoctor để quản lý quy trình khám chữa bệnh. Ảnh: Enet MeetDoctor
Nộp sổ, bốc số, chờ đợi hàng tiếng để được gọi tên vào khám - đó là quy trình rất đỗi quen thuốc đối với những người thường phải đi khám bệnh. Ngay cả ở những phòng khám tư nhân hoặc bệnh viện nhỏ, bệnh nhân cũng không tránh khỏi việc phải chờ đợi nếu đã có người đến trước, còn nhân viên quản lý phòng khám cũng bộn bề với việc sắp xếp lịch khám, gọi điện nhắc tái khám.
Làm thế nào để tối ưu hoá quá trình quản lý và đặt lịch khám bệnh, giúp bệnh nhân rút ngắn được quãng thời gian chờ đợi, và bản thân nhân viên y tế cũng dễ dàng quản lý được quy trình khám chữa bệnh? Câu hỏi đó đã đeo đuổi hai chuyên gia công nghệ Lê Hưng Ban và Đồng Hoàng Thịnh từ lâu. Trong quá trình tham gia một dự án xây dựng hệ thống quản lý cho các phòng khám tại Canada, hai ông đã tìm hiểu rất nhiều hệ thống của các bên đi trước và nhận ra rằng mình cũng có thể xây dựng một phần mềm riêng phù hợp với thị trường Việt Nam.
Enet MeetDoctor đã ra đời từ suy nghĩ đó. “Nếu để gói gọn trong một câu, tôi sẽ mô tả đây là giải pháp phần mềm để nâng cao hiệu quả vận hành của phòng khám, giúp bác sĩ và nhân viên y tế tối ưu hoá quy trình đặt lịch, nhận lịch và tư vấn khám chữa bệnh, chỉ định xét nghiệm, kê toa, đồng thời có thể xem và quản lý báo cáo rõ ràng”, ông Đồng Hoàng Thịnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ du lịch Enet đã giới thiệu về phần mềm Enet MeetDoctor như vậy tại Hội thảo do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức vào tháng Tám vừa qua.
Cụ thể, Enet MeetDoctor là công cụ giúp vận hành phòng khám, tối ưu hoá quá trình quản lý và đặt lịch khám bệnh. Các bác sĩ, nhân viên y tế có thể đảm bảo tốt quy trình phục vụ, quản lý thuốc. Đồng thời, có thể xem, kiểm tra báo cáo chi tiết.
Trước khi đặt lịch khám trên ứng dụng, bệnh nhân có thể xem lịch khám hôm nay của các bác sĩ. Nếu bác sĩ không có lịch làm việc, bệnh nhân sẽ không thể đặt lịch khám. Bệnh nhân sẽ chỉ được chọn những lịch khám mà bác sĩ còn trống trong mục “Lịch khám hôm nay” và điền các thông tin, tình trạng sức khỏe, biểu hiện triệu chứng. Khi họ lựa chọn một lịch khám, tương đương với 1 số thứ tự khám đã được đặt. Bệnh nhân chỉ cần chờ đến ca của mình để vào khám. Đặc biệt, trong trường hợp không tiện di chuyển, bệnh nhân có thể thăm khám và gặp bác sĩ từ xa mà không cần đến tận phòng khám.
Trong quá trình thực hiện dự án ở Canada, đối tác đã yêu cầu ông Thịnh xây dựng hệ thống tích hợp hồ sơ sức khoẻ của một gia đình. “Chỉ cần một người đăng ký trên ứng dụng, họ có thể thêm thông tin các thành viên khác vào và đặt lịch khám giúp. Đây là điều tôi cho là rất hữu ích”, ông cho biết. “Thông tin về các lần thăm khám, thuốc kê toa đều được lưu lại trong hồ sơ, để các bác sĩ sau đó có thể kiểm tra lại trong lần tái khám”. Hệ thống Enet sẽ tự động nhắc bệnh nhân và phòng khám khi sắp đến lịch tái khám.
Đáng chú ý, trong thông tư 27 của Bộ Y tế, yêu cầu các bệnh viện hạng 3 trở lên phải hoàn thành việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Tại bệnh viện và các phòng khám, mỗi bác sĩ sẽ có một tài khoản trên hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Bác sĩ kê trên máy tính thông tin đơn thuốc, dữ liệu này đồng bộ với nhà thuốc. Các nhà thuốc sẽ tiếp nhận đơn thuốc và liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Bệnh nhân khi mua thuốc chỉ cần đọc mã số để nhận thuốc. Điều này sẽ kiểm soát thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Enet MeetDoctor cũng đang triển khai hệ thống của mình liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia để đảm bảo các đơn thuốc được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Enet MeetDoctor được tích hợp các tính năng như tính năng gửi chỉ định xét nghiệm đến phòng Lab, chẩn đoán theo ICD-10, gửi toa đến nhà thuốc; tính năng khai báo thêm chi nhánh không giới hạn, cho phép các cơ sở khám chữa bệnh dễ dàng thêm mới và quản lý không giới hạn số lượng chi nhánh... Điều này giúp mở rộng quy mô kinh doanh một cách linh hoạt và nhanh chóng, giữ cho các chi nhánh hoạt động một cách hiệu quả và đồng bộ.
“Enet MeetDoctor hiện đang được sử dụng tại 30 phòng khám, trên hệ thống này có khoảng 300 bác sĩ ở rộng khắp 30 tỉnh thành phố của cả nước. Với kênh giao tiếp riêng biệt giữa bệnh nhân và phòng khám thông qua QR & Chatbot, Video call được lưu trữ dữ liệu bảo mật cũng như hệ sinh thái đa dạng về giải pháp. Enet MeetDoctor sẽ giúp gia tăng sự trải nghiệm thăm khám tiện lợi dễ dàng cho người dân Việt Nam”, ông Thịnh chia sẻ.
Du lịch y tế
Một trong những hướng đi khác biệt mà đội ngũ Enet MeetDoctor mong muốn có thể phát triển trong thời gian tới, đó là du lịch y tế. Trước đây, khi nói đến du lịch y tế, nhiều người sẽ nghĩ đến hình ảnh người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh để hưởng những dịch vụ y tế cao cấp. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều Việt kiều và người nước ngoài đã đến Việt Nam để điều trị hiếm muộn, châm cứu và chữa răng, cùng với đó là tranh thủ đăng ký các tour du lịch.
Trên thực tế, hầu hết người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế nước ngoài thường phải lưu trú lại tại quốc gia đó một thời gian sau khi được can thiệp chẩn đoán, điều trị. Trong thời gian lưu trú lại, khách có thể tận dụng chuyến đi của họ để tham quan, tham gia các chuyến đi trong ngày, tham gia các hoạt động du lịch truyền thống khác.
Bệnh viện Việt Nam như Bệnh viện Phụ sản Trung ương ở Hà Nội và Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM được đánh giá cao về điều trị hiếm muộn, tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công cao, với chi phí hợp lý. Bên cạnh đó, nha khoa Việt Nam có trình độ kỹ thuật tiên tiến nhưng chi phí lại thấp hơn nhiều lần so với các nước khác. Những yếu tố như tay nghề cao và giá cả phải chăng đã biến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng để phát triển dịch vụ du lịch y tế.
Nhận thấy được tiềm năng của lĩnh vực mới này, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, năm 2023, TP.HCM đã đưa du lịch y tế vào dự thảo chiến lược phát triển du lịch TPHCM. Vì vậy, Sở đã có nhiều hoạt động, giải pháp để khai thác tiềm năng của loại hình du lịch này nhằm đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM đã phối hợp với các đơn vị y tế để xây dựng hơn 30 sản phẩm du lịch y tế trong năm 2023 [1].
Ông Đồng Hoàng Thịnh cho biết gần đây đại diện Enet đã cùng Sở Du lịch và Sở Y tế TP.HCM đi Campuchia và Thái Lan để tham dự hội thảo về du lịch y tế. “Khách hàng trong và ngoài nước khi đi nghỉ dưỡng, du lịch cũng có thể kết hợp để thăm khám chữa bệnh. Đây đang là một xu thế mới và có tiềm năng lớn, nên chúng tôi cũng đang cố gắng hoàn thiện hệ thống để là trung gian kết nối cho các đơn vị lữ hành, khách sạn, địa điểm nghỉ dưỡng với các cơ sở khám chữa bệnh, làm đẹp, thẩm mỹ để phát triển mô hình này”, ông Thịnh kỳ vọng, ông cho biết người Campuchia và Việt Kiều là hai dạng khách hàng tiềm năng mà ông nhắm đến.
Để làm được điều đó, ông tập trung xây dựng phần mềm hỗ trợ kết nối với các đơn vị lữ hành thông qua nhiều phương thức như chatbot và lập trình tự động (API). Điều này giúp du khách dễ dàng đặt lịch khám bệnh trong quá trình du lịch. Hiện tại, rất nhiều bác sĩ ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện 115 đang sử dụng phần mềm Enet Meet Doctor.
Nếu thành công, đây sẽ là một hướng đi nhiều cơ hội đối với Enet, bởi theo báo cáo của Sở Du lịch TPHCM, lượng khách du lịch đến Việt Nam khám chữa bệnh tăng dần đều qua các năm, doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm. Gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó 40% lượng khách tập trung tại TP.HCM.
Chú thích:
[1] https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-xay-dung-30-san-pham-du-lich-y-te-gioi-thieu-den-nguoi-dan-va-du-khach-trong-nam-2023-1491909796
Theo khoahocphattrien