Từ tám năm nay, Tép Bạc - một công ty khởi nghiệp ở miệt vườn ĐBSCL của kỹ sư thủy sản Trần Duy Phong với giải pháp Farmext đã từng bước trở thành người bạn đồng hành bền chặt của những người dân nuôi trồng thủy sản.
Thấu hiểu của người trong cuộc
Điều khiến anh Trần Duy Phong sau ba năm lăn lộn với công việc của một kỹ sư nuôi trồng thủy hải sản ở khắp các tỉnh miền Tây bắt tay vào xây dựng Tép Bạc vì anh thấy bà con nông dân mình gặp nhiều cái khó quá. Dường như cái khó bủa vây mọi ngả đường đến thị trường, nào là cần tiếp cận thông tin nuôi trồng sao cho đúng kỹ thuật, thông tin về giá cả thị trường, thông tin về dịch bệnh...
“Muôn vàn cái khó đều đổ vào bà con nên tôi muốn tạo ra một công cụ ‘n trong một’ để giải quyết vấn đề” – anh Trần Duy Phong – Founder của Tép Bạc nói về quyết tâm của mình. Năm 2012, anh Phong mầy mò học thêm công nghệ thông tin rồi lập trình website Tép Bạc. Vừa có những kiến thức về nghề lại vừa công nghệ nên, anh Phong hiểu mọi người cần những thông tin gì trên website, và trang web ấy phải được xây dựng ra sao để tiện bề tra cứu.
Thật bất ngờ là dù không quảng bá nhiều thì Tép Bạc đã len lỏi đến từng người nông dân, cung cấp cho họ cái họ cần, có khi chỉ là một thông tin giản dị “địa chỉ cung cấp giống tôm gần Đồng Nai nhất”… Những thông tin cụ thể về “con tôm đổ bệnh”, “cách nuôi tôm thương phẩm” đến mô hình nuôi thành công… như thế đã trở thành gợi ý để mọi người học hỏi. “Tiếng lành đồn xa”, Tép Bạc trở thành chốn lui tới của nhiều bà con nông dân ĐBSCL, hỗ trợ họ cụ thể trong quá trình nuôi trồng.
Khi bắt đầu tiếng tăm, nhưng người sáng lập Tép Bạc vẫn cho rằng, đó mới chỉ là kết quả bước đầu, website này vẫn chưa đủ công cụ để giải quyết phần lớn khúc mắc cho bà con. Trong quá trình nuôi thả, chăm sóc, đầu ra cho sản phẩm.
Từ rất nhiều câu hỏi: Làm sao để bà con có thể bám sát được chi phí cho cả một vụ nuôi ở bất kỳ thời điểm nào? Làm sao để bà con biết được vụ này sản lượng áng chừng bao nhiêu để bán cho doanh nghiệp? Con tôm vốn rất dễ bị bệnh, công nghệ nào có thể đo chính xác môi trường nước và cảnh báo được tình hình dịch bệnh trong ao?...” đã thôi thúc anh quyết tâm học cho bằng được kiến thức công nghệ và viết ra “nền tảng quản lý trại nuôi Farmext”.
Ở thời điểm Farmext ra đời, chưa có một công cụ tương tự nào giải quyết một cách rốt ráo những bài toán kể trên. Các công ty nước ngoài tuy có phát triển những dạng công cụ như vậy nhưng lại chỉ phù hợp với trang trại quy mô lớn, trong khi hoàn toàn bỏ ngỏ những hộ đơn lẻ có một vài ao khoảng 1000-2000m2. Chàng trai 32 tuổi tin rằng, hệ thống của mình có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho người dân từ lúc con giống được thả xuống ao cho đến khi thu hoạch bán cho doanh nghiệp chế biến, tạo thành một chuỗi liên kết giúp họ thoát khỏi cảnh ‘được mùa mất giá’.
Với những tính năng ưu việt đó, Trần Duy Phong đã thuyết phục được công ty Bayer rót vốn đầu tư khi trình diễn sản phẩm demo vào năm 2016. Trong suốt bốn năm ấy, nhờ uy tín, dữ liệu, đội ngũ cố vấn, người sử dụng của Tép Bạc, Trần Duy Phong và các cộng sự mới tự tin giới thiệu về một nền tảng quản lý trại nuôi Framext rộng rãi hơn tới đa số người dùng.
Giải pháp của Farmext
“Từ năm 2016 tới nay chúng tôi phối hợp với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức được chừng năm cuộc hội thảo giới thiệu cho bà con các tỉnh miền Trung” – anh Trần Duy Phong chia sẻ. Người dự đa phần là chủ nhiệm hợp tác xã, chủ trang trại… rồi người này lại giới thiệu cho người kia. Đến nay Farmext có khoảng 2500 tài khoản sử dụng, ước chừng mỗi tài khoản quản lý 1-2 ao nuôi có diện tích từ 1000-2000m2.
Tính năng nổi bật nhất của Farmext là giải pháp IoT kết hợp với nền tảng dữ liệu trung tâm điện toán đám mây giúp người nông dân có thể quản lý trang trại từ xa. Trong đó, thiết bị quan trắc môi trường IoT được tự động điều khiển và cứ 5 phút lại đo một lần theo các thông số được cài đặt sẵn rồi gửi dữ liệu về ứng dụng.
“Thiết bị cảm biến cung cấp các chỉ số quan trọng cho sự phát triển của tôm, cá là pH, nồng độ oxy, nhiệt độ, độ mặn và chỉ số oxy hóa khử ORP” – anh Phong giải thích và nói thêm rằng, chỉ số ORP là yếu tố mới được anh đề xuất đưa vào cho bà con bởi từ trước tới nay, nó chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam do sự hạn chế về trình độ kỹ thuật. Tuy nhiên trong quá trình làm việc với Tập đoàn Neovia của Pháp, anh Phong nhận thấy phía đối tác rất coi trọng chỉ số này và được biết rằng, chỉ số này đo lường hàm lượng chất hữu cơ trong môi trường nước và có thể cảnh báo về mức độ ô nhiễm. Khi biết được về ý nghĩa, anh đã đề xuất đưa vào hệ thống của mình.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho bà con khi sử dụng, Farmext cũng xây dựng các tiện ích hỗ trợ như quy trình nuôi được xây dựng dựa trên thực tế sản xuất, cảnh báo dịch bệnh, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật từ chuyên gia…Trên hệ thống, Framext đang cung cấp khoảng 10 quy trình dành cho tôm và cá basa.
Chưa dừng lại ở đó, việc liên kết cùng Tép Bạc, Farmext cũng tạo ra một sàn giao dịch để người dân có thể đẩy các đẩy sản phẩm đến những công ty thu mua chế biến xuất khẩu, những dự báo về sản lượng từ sớm giúp họ mạnh dạn đăng ký sản lượng với doanh nghiệp, tránh tình trạng được mùa mất giá. Khi toàn bộ quá trình nuôi trồng được ghi nhận vào nhật ký, mỗi vụ thu hoạch đều được gắn với mã QR code, giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sự minh bạch của thủy sản Việt Nam trước những yêu cầu khắt khe của quốc tế.
Để có được ngày hôm nay, tức là vượt qua nhiều startup khác, trở thành Quán quân cuộc thi Startup Việt 2020, đã có đôi lần, người sáng lập Tép Bạc định bỏ cuộc. Yếu tố chi phối việc này nằm ở phần cứng – phần được xem là cốt lõi cho toàn bộ quy trình hoạt động của Farmext. Thiết bị IoT được sử dụng để quan trắc các chỉ số môi trường nước gặp cái khó là rất dễ hỏng hoặc cho kết quả không chính xác do môi trường ao nhanh bị bám bẩn. “Nhiều công ty khi nhảy vào lĩnh vực này đã bỏ cuộc, trong đó có tôi - ngấp nghé muốn bỏ cuộc. Phần cứng là điểm yếu của Việt Nam và tôi thậm chí đã mất tới hai năm để nghiên cứu cách làm sao cho đầu dò tự động vệ sinh, cho kết quả đo chính xác, độ bền cao” – anh Phong nói. Dựa trên cảm biến nhập từ Mỹ, anh Phong và các cộng sự đã đưa ra thị trường thiết bị đầu dò đáp ứng mọi yêu cầu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký bằng sáng chế. Người sáng lập Tép Bạc tin rằng, thiết bị IoT đo môi trường nước của mình có thể triển khai rộng rãi trên 700.000 ao nuôi tôm tại Việt Nam với mức giá khoảng 30 triệu đồng.
Tạo chuỗi công nghệ nâng tầm con tôm
“Truy xuất nguồn gốc là thách thức lớn với nuôi tôm quy mô nhỏ. Mình đang giải quyết bài toán cho các trại nuôi nông hộ nên phải làm sao để người dân hình thành thói quen ghi nhật ký” – người sáng lập Tép Bạc cho biết. Ngoài những công cụ nhắc nhở hay tiện ích gợi ý…, startup này cũng phối hợp với các công ty, tổ chức phi chính phủ thực hiện các cuộc hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm để bà con thấy được lợi ích của việc ghi nhật ký điện tử.
Anh tin rằng khi thấy được những lợi ích mà Farmext mang lại như giá trị sản phẩm được nâng cao, hàng dễ truy xuất nguồn gốc hay có thể tính toán chi phí của ao ở bất kỳ thời điểm nào… bà con sẽ tự động hình thành thói quen, dù đây không phải chuyện một sớm một chiều.
Mục tiêu quan trọng nhất của Tép Bạc trong năm 2021 là hoàn thiện được hệ thống thiết bị IoT để chính thức cung cấp trong thị trường. Các thử nghiệm sáu tháng qua đã cho thấy sản phẩm có thể đo chính xác các thông số và độ bền cao. Bởi vậy Tép Bạc tự tin ký hợp đồng cung cấp mô-đun điều khiển tự động cho một phần ao nuôi của Tập đoàn Minh Phú.
“Minh Phú đã cho chúng tôi định hướng và bức tranh sắp tới, nên điều quan trọng là chúng tôi thể hiện được vai trò của mình khi đưa ứng dụng quản lý trại nuôi và hệ thống IoT vào thực tế” – anh Phong nói và tin rằng, đây sẽ là một trong những bước đệm quan trọng để startup này có thêm kinh nghiệm ‘thực chiến’ khi vươn ra thị trường thế giới bởi mảnh đất này vẫn còn rất màu mỡ.
Theo khoahocphattrien