Giải pháp đơn giản để giải bài toán xử lý nước thải sinh hoạt đô thị
11/12/2019
223 Lượt xem
Ô nhiễm nước thải khiến các kênh mương, sông ngòi ở Hà Nội trở thành những “điểm chết” gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, cả Thủ đô hiện mới chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% đang được xả thẳng ra môi trường.
Không chỉ đơn cử thành phố có số lượng và mật độ cư dân đông bậc nhất rơi vào tình trạng như vậy, mà đây là tình trạng chung ở hầu hết các đô thị: nước thải sinh hoạt xả thẳng xuống mà không qua xử lý. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước ở các đô thị chỉ đạt khoảng 50% và đa phần đã xuống cấp, ít khi được duy tu bảo dưỡng. Cũng chỉ mới có khoảng 15% nước thải đô thị được xử lý, còn lại đều xả vào kênh, mương, sông, hồ nội thành (nguồn nước mặt), qua nhiều điểm tập trung và phân tán dọc chiều dài kênh, mương, sông, hồ, gây ô nhiễm các nguồn nước này. Nhưng sẽ còn rất lâu nữa các đô thị Việt Nam mới có đủ tài chính và điều kiện để xây dựng đủ các tuyến cống thu gom và truyền dẫn nước thải, các tuyến cống bao dọc các kênh, mương, sông, hồ nội thành, thu gom nước thải và dẫn về các Trạm xử lý tập trung để làm sạch trước khi xả ra nguồn nước. Trong khi đó, chi phí làm sạch các nguồn nước mặt bị ô nhiễm rất lớn, đơn cử, ước tính để làm sạch toàn bộ sông Tô Lịch cần chi phí 1,9 triệu đồng/m3 nước thải.
Trong bối cảnh đó, giải pháp khả thi nhất là kiểm soát nguồn thải dọc các nguồn nước mặt bằng các hệ thống chi phí thấp, phân tán với công nghệ đơn giản và có thể tích hợp vào hạ tầng hiện có, từng bước tạo thành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt.
Mới đây, GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Xây dựng, đưa ra giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm các nguồn nước mặt này bằng “Hệ thống xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm kênh mương, sông hồ” và đã được cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN.
Sáng kiến đề cập đến hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cơ bản bao gồm (xem mô tả bên cạnh, kiểm tra vị trí của từng bộ phận trong hệ thống theo các số thứ tự đính kèm):
Hố ga (100) có song chắn rác (101) và ngưỡng tràn (102) để tách rác và nước mưa; ngăn lắng (200) được nối vào đầu ra của hố ga (100), có miệng ống đưa nước thải vào ngăn lắng (201) và miệng ống đưa nước thải ra khỏi ngăn lắng (202) được đặt phía dưới mặt nước và phía trên đáy ngăn lắng các khoảng xác định; một đến ba ngăn lọc (300) được nối vào đầu nước ra của ngăn lắng (200), ngăn lọc có ống đưa nước thải vào/ra ngăn lọc (301) có miệng đưa nước thải vào được đặt ở vị trí thấp, còn miệng đưa nước thải ra được đặt ở vị trí cao, sao cho dòng nước thải chuyển động trong ngăn lọc (300) theo chiều từ dưới lên trên; và một hoặc hai hào lọc (600) được nối vào đầu nước ra của ngăn lọc (300), hào lọc cuối (600) có thành bên được tạo các lỗ rỗng (603) dọc theo thành và thông ra ngoài.
Theo tác giả sáng chế, hệ thống này có ưu điểm là nguyên lý xử lý nước thải đơn giản, có thể dễ dàng kiểm soát nước thải và nước mưa, dễ dàng tiếp cận các ngăn bể để hút bùn, nước chảy tràn bề mặt một cách linh hoạt. Đặc biệt là hệ thống này có chi phí xây dựng thấp, thời gian thi công ngắn, có thể sử dụng ngay các ống cống bê tông cốt thép đúc sẵn để làm các ngăn xử lý của hệ thống.
Trong bối cảnh ở Việt Nam, ngành công nghiệp môi trường vẫn còn đang ở giai đoạn ‘sơ khai’ - còn rất thiếu các giải pháp công nghệ, các thiết bị và công trình đáp ứng đòi từ thực tiễn đời sống, thì việc nghiên cứu đưa ra các giải pháp làm sạch nước thải tại chỗ bằng các công nghệ vừa đơn giản, vừa có chi phí xây dựng và vận hành thấp là một hướng giải quyết hợp lý, khả thi và rất cần thiết.