Học sinh Ninh Bình với sáng kiến 'Hệ thống quản lý giờ học thông minh'
15/07/2020
99 Lượt xem
Sáng kiến này cũng giúp giáo viên dễ dàng xác định đúng lớp dạy và tình trạng học sinh đến lớp để có những biện pháp quản lý sĩ số và thông báo tới nhà trường và phụ huynh học sinh. Với đề tài này, hai học sinh Bình Dương và Quang Huy đã giành giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học toàn quốc năm học 2019-2020.
Theo hai nhà "sáng chế trẻ", mặc dù ở khác lớp nhưng do cùng tham gia nhiều cuộc thi về sáng kiến khoa học, cùng chung niềm đam mê nên Dương và Huy đã chơi thân từ rất lâu. Trong quá trình học tập tại trường học, hai bạn nhận thấy các thầy, cô giáo thường xuyên phải điểm danh sĩ số học sinh, ghi chép số lượng học sinh vắng hoặc đi học muộn mất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp do sai sót đã xảy ra những vụ việc thương tâm như bỏ quên học sinh trên xe ở trường liên cấp tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, tìm hiểu các hệ thống quản lý học sinh hiện có trên thị trường mới sử dụng phần mềm Smas để quản lý hồ sơ học sinh, kiểm diện, quản lý điểm số nhưng chưa có chức năng quản lý, thông báo thông tin theo thời gian thực. Một số phần mềm quản lý khác được sử dụng ở các trường đại học và cao đẳng chủ yếu quản lý điểm và thực hiện các chức năng đăng ký môn học và các thủ tục khác ít liên quan đến những vấn đề ở trường phổ thông hiện còn gặp phải... Từ đó, hai nhà "sáng chế trẻ" đã nghiên cứu và sáng kiến "Hệ thống quản lý giờ học thông minh".
Bình Dương chia sẻ, em và Huy đã mất 10 tháng để lên ý tưởng và hoàn thiện Hệ thống quản lý giờ học thông minh. Sản phẩm này được cấu tạo gồm 5 khối. Khối 1 có nhiệm vụ tiếp nhận và hiển thị thông tin tại lớp, như: giáo viên vào lớp sẽ nhập mã số để đăng kí tiết dạy nếu sai tiết hoặc sai lớp, khối này cũng phản hồi ngay cho giáo viên, đồng thời nhận thông tin của học sinh khi học sinh tự kiểm diện có thể bằng thẻ hoặc mã số.
Khối 2 xử lí thông tin đăng nhập của giáo viên và phần thông tin về sĩ số lớp mà giáo viên kiểm diện cũng như học sinh tự kiểm diện để gửi lên mạng tới hệ cơ sở dữ liệu tự tạo; cập nhật liên tục thời gian thực từ trên mạng Internet để có được giờ đúng với múi giờ quốc tế cung cấp cho thiết bị thông báo giờ ra vào lớp. Khối 3 có tác dụng thông báo giờ ra vào lớp. Khối 4 là khối cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin, có tính năng truy xuất dữ liệu tức thời. Cuối cùng là khối 5 có nhiệm vụ truy xuất thông tin từ cơ sở dữ liệu được khối 2 gửi lên, có giao diện để tương tác với người trực để đáp ứng cho người dùng những thông tin về sĩ số học sinh, giáo viên đang dạy trên lớp.
Hệ thống được sử dụng rất đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm nhiều thời gian so với việc quản lý sĩ số như trước đây. Theo đó, khi sử dụng, hệ thống được lắp đặt tại mỗi lớp, học sinh vào lớp nhấn vào nút "Học sinh quẹt thẻ" trên màn hình rồi dùng thẻ quẹt qua đầu đọc để kiểm diện; sĩ số do học sinh quẹt thẻ sẽ được đẩy lên cơ sở dữ liệu cùng lúc đó chỗ ngồi của học sinh trên màn hình (có sơ đồ lớp) sẽ chuyển từ màu đỏ sang xanh. Sau khi chuông báo vào lớp, giáo viên bộ môn vào lớp quẹt thẻ để đăng kí tiết dạy đồng thời hệ thống yêu cầu giáo viên nhập sĩ số hiện tại của lớp (giáo viên tự kiểm đếm) rồi xác nhận vào hệ thống để hệ thống phát hiện học sinh vắng, gửi email cho phụ huynh và thông báo lên phần mềm quản lí. Kết thúc tiết dạy, hệ thống sẽ tự động tính giờ cho giáo viên, đồng thời đánh chuông thông báo. Nếu giáo viên quên thời khóa biểu không vào lớp đúng giờ, hệ thống sẽ gửi tin nhắn đến giáo viên hoặc lên phòng giáo vụ để kịp thời thông báo lớp học đang trống tiết; đồng thời khi giáo viên quẹt thẻ hệ thống cũng thông báo giúp giáo viên nhận định đúng lớp dạy và đúng tiết học.
Em Quang Huy cho hay, hiện hệ thống này có thể cập nhật thông tin cho 1 lớp tối đa có 50 học sinh với tốc độ xử lý chỉ 2 đến 2,5 giây cho một lần quẹt thẻ. Hệ thống tương tác thông qua mạng Internet một cách linh hoạt, thông báo chính xác giờ ra vào lớp bằng chuông điện, đồng thời dữ liệu được xử lý một cách chính xác và cập nhật trên hệ thống nhanh ngay tức thời. Sản phẩm nếu đưa ra thị trường có giá 2,5 triệu đồng.
"Thời gian tới, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu và tích hợp thêm một số tính năng cho sản phẩm như có thể đưa ra phương án điều giáo viên dạy thay trên phần mềm khi có giáo viên xin nghỉ, tự động xếp loại và đánh giá giờ học theo dữ liệu thu thập từ giáo viên và học sinh trong giờ học và kết nối với một cơ sở dữ liệu dạng như Smas do nhóm tự phát triển giúp nhà trường không phải thuê máy chủ", Huy chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hoa Lư A Đặng Đình Sơn cho biết, Huy và Dương là hai học sinh có niềm đam mê với nghiên cứu sáng kiến khoa học và đã có nhiều sáng kiến đạt giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật tại địa phương, như: Thí nghiệm vật lý đo bằng máy tính, ba lô thông minh, máy hút rác thông minh. Đối với sáng kiến "Hệ thống quản lý giờ học thông minh", qua hoạt động thử nghiệm tại trường cho thấy, sản phẩm này dễ dùng, ổn định, góp phần giúp nhà trường quản lý tiết dạy, giáo viên dạy, số tiết học và sĩ số học sinh một cách nhanh chóng, chính xác, đồng thời thuận tiện trong việc thực hiện thông tin cho phụ huynh, góp phần giúp nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc quản lý học sinh.
Thực tế cho thấy, hiện nay số lượng học sinh đang ngày càng tăng lên, có những giờ học giáo viên lên lớp muộn, nhầm lớp, không kịp thời nắm bắt sĩ số học sinh. Nhà trường và đặc biệt là phụ huynh học sinh ngày càng quan tâm đến con em mình hơn trong việc học tập cũng như chất lượng giờ dạy nên hệ thống quản lý giờ học thông minh sẽ là một giải pháp cần thiết để cải thiện những vấn đề trên.
"Nhà trường rất tự hào về thành tích hai học sinh Quang Huy và Bình Dương đã đạt được trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học toàn quốc năm học 2019-2020 vừa qua. Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục khuyến khích phong trào sáng kiến khoa học trong học sinh", ông Đặng Đình Sơn nói.