Hội nghị Đánh giá kết quả xuất khẩu quả vải năm 2016 và bàn kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Úc năm 2017
03/08/2016
156 Lượt xem
Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Cục; ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch. Phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; ông Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) và lãnh đạo một số phòng ban chức năng của Viện.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Thay mặt đơn vị tổ chức Hội nghị, ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cảm ơn sự hiện diện của các quý vị đại biểu, và mong muốn nhận được sự góp ý chân thành của các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý để có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng hiệu quả xử lý chiếu xạ kiểm dịch, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải trong thời gian tới. Nhân dịp này, ông Thiệu cũng bày tỏ sự biết ơn đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện Dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở Trung tâm và xin cấp phép xử lý chiếu xạ kiểm dịch quả vải trên thiết bị chiếu xạ của Trung tâm và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp để xin cấp phép xử lý chiếu xạ một số loại rau quả khác tại Trung tâm.
Đánh giá thành công của việc xuất khẩu quả vải sang Úc, ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Sau nhập Khẩu vùng I (KDSNKI) cho biết: Chuẩn bị cho việc xuất khẩu quả vải sang Úc, TT đã kiểm tra và cấp 31 mã vùng trồng quả vải cho một số trang trại tại Bắc Giang và Hải Dương, hướng dẫn bà con canh tác theo chuẩn VietGAP để bảo đảm chất lượng quả. Trung tâm cũng đã kiểm tra và cấp mã số nhà máy đóng gói cho 02 cơ sở mới tại Bắc Giang bên cạnh cơ sở đóng gói đã được cấp phép tại Hải Dương. Ngay từ đầu vụ vải, Trung tâm KDSNK I đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm CXHN để tiến hành lập bản đồ phân bố liều trên quả vải sớm để hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp Úc xin cấp phép xử lý chiếu xạ kiểm dịch tại Trung tâm CXHN. Ngay khi nhận được giấy phép, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo miễn phí kiểm dịch cho doanh nghiệp để có thể xuất khẩu quả vải sang Úc. Kết quả đã xuất khẩu được gần 30 tấn quả vải sang Úc với chất lượng đảm bảo. Mặc dù vậy, đây là lần đầu tiên quả vải được xử lý chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nên vẫn còn một số thiếu sót, nhất là do sự thiếu thống nhất giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của quả vải trên thị trường Úc.
Ông Lê Nhật Thành trình bày báo cáo tại Hội nghị
Để thực hiện tốt việc xuất khẩu năm 2017, về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần: Phối hợp với các cơ quan quản lý địa phương cùng đại diện mã vùng trồng giám sát và duy trì các vùng vải xuất khẩu từ đầu năm, đặc biệt cần kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc làm mất thị trường. Kiểm tra, phát hiện kịp thời các vùng trồng không tuân thủ quy định để loại bỏ ra khỏi danh sách vùng trồng được cấp mã số; Phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia đầu tư xuất khẩu quả vải sang Úc; Bố trí nguồn lực để thực hiện kiểm tra cấp mã vùng trồng, nhà đóng gói và giám sát chiếu xạ khi có yêu cầu; Phối hợp với các đơn vị liên quan đưa khoa học công nghệ áp dụng vào việc nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản quả vải, để có thể vận chuyển bằng đường biển thay cho đường không…
Ông Đàm Quang Thắng - Đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải đã cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện NLNTVN, cơ quan an ninh hàng không... đặc biệt cảm ơn Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật đã đồng hành cùng doanh nghiệp, bất chấp thời gian không thuận lợi. Doanh nghiệp cũng đã cố gắng đáp ứng quy định của cơ sở chiếu xạ, chi cục bảo vệ thực vật và các cơ quan vận chuyển, song trong quá trình thực hiện vẫn xuất hiện một số khó khăn vướng mắc nhất định như công tác thu mua tại vùng trồng không đúng kế hoạch, không thể vận chuyển vào thời kỳ cao điểm, công nghệ bảo quản áp dụng trong quá trình vận chuyển, vận chuyển hàng bằng công-ten-nơ đóng kín từ nơi chiếu xạ đến sân bay… Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp cần các nhà khoa học và quản lý phối hợp để giải quyết để đẩy mạnh hiệu quả xuất khẩu quả vải năm 2017.
Ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho hay: Với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, thời gian qua, Viện đã hoàn thành dây chuyền sơ chế, xử lý giúp đảm bảo phân loại quả vải có chất lượng phù hợp trước khi đóng gói. Viện sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các công ty xuất khẩu quả vải để có thể giữ chất lượng quả vải lâu hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN cho rằng: mặc dù chỉ xuất khẩu được một lượng khiêm tốn, song bước đầu cho thấy hiệu quả của việc đưa ứng dụng công nghệ vào đời sống, giúp cho bà con nông dân có thêm lựa chọn tiêu thụ hàng hóa với giá trị tăng cao. Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả, các đơn vị liên quan phải phối hợp tốt hơn nữa. Ông Nguyễn Hào Quang tin rằng, với kinh nghiệm thu được, việc xử lý chiếu xạ kiểm dịch quả vải sẽ được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn trong năm 2017 để phát triển thị trường một cách bền vững.
Kết luận Hội nghị, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật bày tỏ sự biết ơn lãnh đạo 2 Bộ đã quyết tâm, và có những chỉ đạo sâu sát để thực hiện Dự án, cũng như xin cấp phép để chiếu xạ kiểm dịch đối với quả vải xuất khẩu. Đề cập đến vấn đề mở rộng thị trường xuất khẩu hoa quả chiếu xạ của Việt Nam, ông Trung nhấn mạnh, các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học để hạn chế việc sử dụng các hóa chất bị cấm, tạo bộ thuốc BVTV phù hợp cho từng loại hoa quả; cơ quan quản lý cần tiếp tục duy trì, giám sát các vùng nguyên liệu, cấp thêm các mã vùng trồng mới; nhằm tăng khả năng xuất khẩu quả vải sang các thị trường khó tính, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhân dịp này, ông cũng chân thành cám ơn các đại biểu đã đến tham dự và có những đóng góp cho thành công của Hội nghị./.