Ngày 26/10 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND thành phố Hồ chí Minh tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIV với chủ đề “Thúc đẩy phát triển liên kết vùng”. Đến dự có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KHC&N, đại diện Sở KH&CN tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ và các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực.
Hội nghị giao ban KH&CN Vùng Đông Nam Bộ được tổ chức 2 năm một lần, Hội nghị lần này là dịp đánh giá kết quả hoạt động KH&CN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2015 – 2017 và đề xuất những định hướng, giải pháp hoạt động KH&CN trong giai đoạn tới có tính chất liên tỉnh, có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả hơn.
Theo báo cáo của Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ KH&CN), trong giai đoạn 2015-2017 hoạt động KH&CN Vùng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận: như đã cụ thể hóa và ban hành khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về chủ trương, chính sách phát triển KH&CN phù hợp với tình hình hoạt động của các địa phương; phát huy những lợi thế có sẵn các tỉnh/thành phố trong khu vực đã tập trung phát triển công nghệ cao. Đặc biệt các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị kinh tế lớn; Đông Nam Bộ, nhất là thành phố Hồ Chí Minh được xem là đi đầu trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng. Hoạt động KH&CN của Vùng luôn xác định doanh nghiệp là đối tượng trung tâm. Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi, tạo ra bước đột phá về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, mang lại thành công cho các doanh nghiệp; Thông qua truyền thông và các hoạt động liên quan (techmart, sàn giao dịch, …) đã tạo ra sự chuyển biến nhận thức của nhân dân về vai trò của KH&CN trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó hoạt động KH&CN của Vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế như đầu tư cho doanh nghiệp KH&CN còn hạn chế, chưa có phương pháp tính toán hợp lý để định lượng và đánh giá được mức độ đóng góp cụ thể của KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động KH&CN vẫn còn bị dàn trải, khả năng huy động vốn ngoài xã hội đầu tư hoạt động chưa nhiều, …
Giải pháp được đưa ra nhằm phát triển KH&CN của Vùng là:
1- Tạo sự đồng bộ về cơ chế chính sách và đơn giản, thuận lợi trong thủ tục hành chính để mọi tổ chức cá nhân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN;
2- Tính toán tỷ lệ ngân sách cân đối cho các địa phương chỉ tập trung dành cho hoạt động quản lý, tăng cường tiềm lực và triển khai các nhiệm vụ Quốc gia trên địa bàn.
3- Cần có cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN.
4- Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Nội vụ Chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN cân đối, rà soát lại biên chế của các địa phương để có phương án trình Quốc hội phê chuẩn tổng biên chế về KH&CN nói chung, biên chế KH&CN các địa phương nói riêng, nhất là biên chế cấp huyện.
5- Lựa chọn một số nội dung trọng tâm trong chiến lược như: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin và tập trung nguồn lực tài chính cùng các cơ chế để đóng góp thực sự cho sản xuất kinh doanh.
6 – Xây dựng các Chương trình liên kết giữa các Sở trong việc hình thành và phát triển sản xuất một số sản phẩm của Vùng, xác định vai trò, vị thế của KH&CN trong từng công đoạn sản phẩm; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong công việc nhận dạng nhu cầu phát triển công nghệ của doanh nghiệp thông qua hình thức Nhà nước hỗ chợ chuyên gia, vốn, chuyển giao công ngệ, xây dựng và phát triển các tài sản trí tuệ.
Định hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động KH&CN của Vùng giai đoạn 2018-2020.
1- Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thực của cán bộ, nhân dân về vị trí và vai trò của KH&CN trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập Quốc tế.
2- Cần phải xác định KH&CN là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng để thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.
3- Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng nhất là trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao; ..
4- Xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có thể đầu tư được nhiều hơn cho các công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ; xây dựng các Quỹ KH&CN để hỗ trợ cho các hoạt động KH&CN của doanh nghiệp, trong đó có quỹ đầu tư mạo hiển để hỗ trợ cho các lĩnh vực phát triển lĩnh vực công nghệ cao.
5- Xây dựng và thực thi các cơ chế chính sách đột phá để vùng Đông Nam Bộ thành vùng phát triển khởi nghiệp sáng tạo đi đầu trong cả nước.
6- Thực hiện tốt việc thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư theo quy định của Luật KH&CN, luật Đầu tư và tinh thần của Luật đầu tư sửa đổi tới đây.
7- Làm tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: Thẩm định và giám định công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, ….
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá cao các kết quả KHCN các tỉnh, thành phố trong vùng đã đạt được.
Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam Bộ lần này diễn ra trong thời gian Tp Hồ Chí Minh tổ chức tuần lễ Đổi mới sáng tạo (ĐMST), với các hoạt động như: Tọa đàm “Các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam”; hội thảo “Mô hình hoạt động ĐMST có hiệu quả tại doanh nghiệp”; trao giải cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Startup Wheel 2017; hoạt động cộng đồng kết nối doanh nghiệp với sinh viên “Khởi nghiệp ĐMST trên nền tảng công nghệ thông tin - viễn thông”; khai mạc triển lãm Công nghệ và Hội nghị khởi nghiệp ĐMST.