Ngày 8/11/2017, tại Ninh Thuận, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phối hợp với Sở KH&CN Ninh Thuận tổ chức Hội nghị quản lý nhà nước về SHTT. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã tham dự và chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong thời gian qua nhiều chính sách và văn bản pháp luật về SHTT đã được ban hành nhằm thúc đẩy hoạt động SHTT trên toàn quốc. Nhờ vậy, hoạt động của toàn hệ thống SHTT đã đạt được những kết quả khả quan và chúng ta có được một hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Có thể thấy được điều này qua số lượng đơn được xử lý ngày càng tăng. Tính đến tháng 11/2016, Cục SHTT đã xử lý hơn 80 nghìn đơn các loại, trong đó có gần 39 nghìn đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 9,9% so với năm 2015). Đặc biệt, so với năm 2015, số lượng đơn khiếu nại, đề nghị chấm dứt hủy bỏ hiệu lực đã được giải quyết tăng cao (gấp 7,8 lần); kết quả xử lý đơn sáng chế tăng 23%, việc xử lý đơn sáng chế của người Việt Nam được quan tâm và thúc đẩy... Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT của các địa phương trên toàn quốc được duy trì ổn định và có những bước chuyển biến tích cực. Cục SHTT và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực này và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc đưa vào sử dụng Thư viện số trực tuyến về sở hữu công nghiệp trên website của Cục SHTT đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ địa phương tư vấn chính xác hơn, hoạt động tư vấn, xác lập và bảo vệ quyền SHTT tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội trong tình hình mới như: Công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp còn thiếu và hạn chế; hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước, chưa xây dựng được nguồn nhân lực thực sự mạnh trong lĩnh vực SHTT... Để khắc phục những hạn chế, tồn tại này, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Luật SHTT; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; các địa phương cần tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đào tạo cán bộ làm công tác SHTT...