Hội nghị về cách thức nền công nghiệp 4.0 định hình tương lai của lĩnh vực đào tạo nghề
21/09/2018
103 Lượt xem
Từ 18-19/9/2018 tại TPHCM và Đồng Nai đã diễn ra “Hội nghị về cách thức nền công nghiệp 4.0 định hình tương lai của lĩnh vực đào tạo nghề”. Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác phát triển giữa Công ty Bosch Việt Nam, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (DVET) (Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội), trường Cao Đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) - chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề ở Việt Nam”.
Hiện nay, các đột phát về công nghệ trong các lĩnh vực như: Robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ Nano, Internet vạn vật làm thay đổi các quy trình tự động hóa và sản xuất trên khắp thế giới. Đây là cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam và là thách thức đối với hệ thống đào tạo nghề. Theo TS. Jasper Abramowski, Giám đốc quốc gia GIZ tại Việt Nam, làn sóng CMCN 4.0 làm thay đổi kỹ năng lao động, nhất là các đối tượng lao động có trình độ thấp sẽ không còn phù hợp. Do đó, các thức tổ chức dạy học, đào tạo, phát triển kỹ năng trong thời gian qua sẽ không còn phù hơp và cần được đổi mới kịp thời. Cơ cấu trình độ, sự phân tầng chất lượng sẽ phá vỡ những cách thức đào tạo truyền thống, hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng phương thức đào tạo linh hoạt nhằm cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng với chuẩn mực đạo đức nghề thay đổi
Theo ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những đột phá về khoa học và công nghệ đã và đang diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính sự phát triển của CMCN 4.0 sẽ mang lại những thách thức trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng, tức vấn đề việc làm thay đổi. Trong đó, nhiều ngành nghề cũ mất đi, ngành nghề mới ra đời, nên bắt buộc danh mục đào tạo cũng phải thay đổi theo. Các cơ sở đào tạo nghề phải luôn không ngừng đổi mới sáng tạo để tìm nhu cầu khách hàng, phải hòa nhập vào mạng lưới khách hàng. Đặc biệt, những người lãnh đạo các cơ sở dạy nghề phải dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi, đổi mới sáng tạo trong hệ thống mạng lưới đơn vị của mình để việc đào tạo nghề theo kịp được nhu cầu từ thị trường. Hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 1982/QĐ-TT ngày 31/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”. Đề án này có nhiều hoạt động ứng dụng CMCN 4.0 như hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin giáo dục nghề nghiệp tiên tiến. Song song đó, tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động đánh giá kỹ năng nghề và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;…
Theo ông Nikolay Kurnosov, Giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam và Campuchia, lực lượng lao động có tay nghề cao đóng vai trò then chốt trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Các chương trình đào tạo sẽ phải theo kịp các xu hướng và phát triển công nghiệp để giữ vững khả năng cạnh tranh trong tương lai. Là một trong các chuyên gia toàn cầu về công nghệ truyền động và điều khiển, Bosch Rexroth mang đến một nền tảng kỹ thuật cùng kinh nghiệm toàn diện; truyền đạt những kiến thức và công nghệ cho sinh viên,học viên một cách đầy đủ và thiết thực nhất. Các kết quả của quan hệ hợp tác phát triển này có ý nghĩa nhất định đối với toàn bộ hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam, vì có thể lồng ghép các bài học kinh nghiệm và kiến nghị về công nghiệp 4.0 vào khung quy định của đào tạo nghề.
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị đã diễn ra lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 và 9 cơ sở đào tạo nghề khác, đào tạo theo định hướng nền công nghiệp 4.0.