Hội thảo khoa học “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng trung du miền núi phía Bắc”
09/11/2017
99 Lượt xem
Ngày 3/11/2017, tại Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên), Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) tổ chức Hội thảo liên kết và Chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên năm 2017.
Hoạt động phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trường đại học, các công ty, tập đoàn lớn đang diễn ra rộng khắp cả nước. Mỗi tổ chức trong hệ sinh thái mặc dù có vai trò, chức năng riêng, nhưng đều hướng đến mục tiêu chung là cung cấp hỗ trợ cho các cá nhân, nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp tương tác để cùng nhau phát triển. Với mục tiêu tăng cường sự kết nối giữa các thành phần trong Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam trước khi diễn ra giữa các thành phần trong Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam trước khi diễn ra Ngày hội khởi nghiệp ĐMST Quốc gia - Techfest 2017 tại Hà Nội vào giữa tháng 11, một loạt các sự kiện đã và sẽ tổ chức tại Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Định và Cần Thơ.
Tham dự Hội thảo có ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - ông Trịnh Việt Hùng; cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp, sở KH&CN địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao sự phối hợp của 03 đơn vị: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Sở KH&CN Thái Nguyên, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tổ chức sự kiện và hy vọng kết quả Hội thảo sẽ tăng cường sự kết nối giữa các thành phần trong Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam đã có sự phát triển, lớn mạnh nhanh chóng. Tại các trường đại học, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, sinh viên đang dần dần trang bị cho mình tinh thần khởi nghiệp.
“Đây thực sự là điểm quan trọng đối với các bạn sau khi tốt nghiệp, nhất là với sinh viên khối trường đại học kỹ thuật, thương mại… để các em có thể bước ra lập nghiệp bằng kiến thức của mình” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói. Theo ông, hiện nhiều sinh viên có ý tưởng tốt nhưng chưa biết cách lập nghiệp bằng năng lực của mình. Đã có nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công nhưng không ít trường hợp gặp khó khăn và thất bại.
Chính vì thế, Thứ trưởng nhấn mạnh thông điệp, cần xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ KH&CN là cơ quan đầu mối đang có chương trình hỗ trợ trực tiếp cho khởi nghiệp ĐMST. Thứ trưởng cũng thông tin các tổ chức, cá nhân đang làm khởi nghiệp ĐMST có thể đến Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN để tìm hiểu, tham khảo các chương trình hỗ trợ.
“Hy vọng sự giúp đỡ ban đầu này sẽ giúp các bạn khởi nghiệp bước qua được những khó khăn ban đầu để đi đến thành công” - ông Tùng nói.
“Khởi nghiệp ĐMST quả thực rất khó khăn, đã có nhiều tấm gương khởi nghiệp, có người thất bại, có người thành công, quan trọng hơn hết người khởi nghiệp cần có văn hóa chấp nhận thất bại. Các bạn hãy dấn thân, hãy làm, hãy say mê khởi nghiệp từ những hỗ trợ ban đầu của Nhà nước”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Khởi nghiệp ĐMST thường gắn với rủi ro, nhưng khi đã thành công thì có giá trị rất lớn, có sức cạnh tranh cao, có tính đột phá, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế, giúp nền kinh tế của chúng ta tăng tốc và phát triển, đi tắt đón đầu, thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới. Để hạn chế rủi ro, những ý tưởng, dự án ĐMST nảy mầm và phát triển, chúng ta cần thúc đẩy tạo lập và hỗ trợ phát triển một môi trường ươm tạo tốt - một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST lành mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có điều kiện phát triển thành công.
Trong bài phát biểu của mình, đại diện Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, ông Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ, trong đó đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch góp phần thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động để tinh thần khởi nghiệp có sức lan tỏa rộng rãi. Hiện tại, Sở KH&CN Thái Nguyên, các ngành chức năng của tỉnh đang nghiên cứu xây dựng chính sách và triển khai các nội dung hỗ trợ khởi nghiệp hỗ trợ ươm tạo và thành lập các doanh nghiệp KH&CN.
Tại hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận về vai trò và định hướng của cơ quan quản ý, trường đại học trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, kinh nghiệm quốc tế và giải pháp ĐMST ở Việt Nam, kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thái Nguyên đã chọn ra được 3 trong số 10 dự án xuất sắc để trao giải và chọn tham dự Techfest Quốc gia 2017.
Giải Nhất thuộc về dự án "Anti-HPPro Sự khác biệt từ tự nhiên" của nhóm tác giả đến từ trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, giải Nhì là dự án "Mở rộng sản xuất trà và matcha theo hướng sinh thái" của Công ty TNHH Orgama, giải Ba thuộc về dự án "Hệ thống sao chè tự động" của trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp.