Hội thảo: Kinh nghiệm giám sát, đánh giá, tổ chức nghiên cứu của quốc tế và hiện trạng giám sát, đánh giá ở Việt Nam
24/11/2017
83 Lượt xem
Nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm giám sát, đánh giá các tổ chức nghiên cứu công lập của một số nước; thảo luận và góp ý cho khung hệ thống giám sát, đánh giá tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập phù hợp trong điều kiện Việt Nam; trong khuôn khổ tiểu dự án “Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học & công nghệ và đổi mới sáng tạo” (FIRST-NASATI). Ngày 22/11/2017, Cục Thông tin KH&CN quốc gia tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm giám sát, đánh giá, tổ chức nghiên cứu của quốc tế và hiện trạng giám sát, đánh giá ở Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN); ThS. Nguyễn Tường Lan, Viện Thông tin khoa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; ThS. Đỗ Thị Xuân Hương, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Vụ KHCN và Môi trường, Bộ NN&PTNT; GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh; GS. TS Mu Rongping, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc; GS.TS Pierre Sebban, Hội đồng cấp cao đánh giá tổ chức giáo dục đại học và nghiên cứu (Heceres), Pháp; TS. Michael Braun, Chuyên gia tư vấn quốc tế về giám sát đánh giá (GSĐG) của DEPOCEN, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Proneos GmbH; đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hoạt động giám sát, đánh giá trong các tổ chức nghiên cứu phát triển tại Việt Nam. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế mà công tác giám sát, đánh giá tại Việt Nam cần khắc phục.
Ông Thắng cho biết: Trong thời gian qua, mặc dù hoạt động giám sát, đánh giá tổ chức khoa học công nghệ tại Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, mục tiêu của Hội thảo hôm nay là góp ý, xây dựng nên một khung giám sát chuẩn phù hợp thực tế áp dụng tại Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế. Để hoạt động giám sát, đánh giá có chiều sâu và đạt hiệu quả cao, cần thống nhất về nhận thức và quan điểm và cách tiếp cận với hoạt động giám sát, đánh giá. Từ đó, phục vụ công tác quản lý điều hành, phân bổ kinh phí đảm bảo sử dụng hiệu quả cho đầu tư vào hoạt động giám sát, đánh giá. Mục đích cuối cùng của hoạt động giám sát, đánh giá nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng tiêu chuẩn công việc của các tổ chức công lập, các tổ chức nghiên cứu và phát triển cũng như cả các tổ chức về đo lường chất lượng.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng được nghe TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN), trình bày tham luận “Thực trạng về GSĐG tổ chức NC&PT ở Việt Nam và đề xuất giải pháp cho GSĐG tổ chức NC&PT ở Việt Nam”. Theo TS Nguyễn Ngọc Anh, so với nhiều nước trên thế giới, hoạt động giám sát, đánh giá tại Việt Nam vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, các đơn vị có liên quan cần đẩy mạnh hoạt động này bằng cách tập trung tối đa trí tuệ, sự linh hoạt, vốn đầu tư và hỗ trợ chuyên gia từ nước ngoài.
Các đại biểu cũng đã nghe một số tham luận: ThS. Nguyễn Tường Lan, đến từ Viện Thông tin khoa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trình bày về công tác quản lý và đánh giá kết quả hoạt động KH&CN ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; đại diện Bộ NN&PTNT trình bày đánh giá của các tổ chức nghiên cứu và phát triển tại Bộ NN&PTNT; GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh trình bày đánh giá về hoạt động nghiên cứu khoa học tại TP Hồ Chí Minh. Ông cho biết, phần lớn các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động chủ yếu là về các dịch vụ khoa học và công nghệ (tư vấn, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, chuyển giao công nghệ) của những ngành, lĩnh vực đăng ký hơn là nghiên cứu khoa học. Do vậy chưa phát huy đầy đủ vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ. Hơn nữa, về chính sách đãi ngộ của nhà nước đối với tổ chức khoa học và công nghệ còn chưa nhiều, rõ ràng và cụ thể đặc biệt là trong miễn giảm thuế so với doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Từ đó cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm tra, đánh giá tổ chức KH&CN và tăng cường số lượng tổ chức KH&CN được kiểm tra, đa dạng hóa phương pháp kiểm tra.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học, theo TS Đinh Ánh Linh, quy chế đánh giá hoạt động KH&CN các trường đều có nhưng ít khi được áp dụng; giảng viên chú trọng vào nhiệm vụ giảng dạy hơn là nghiên cứu khoa học; nghiên cứu khoa học của sinh viên còn mang tính phong trào; Kinh phí nghiên cứu khoa học còn hạn chế và phương thức thanh toán kinh phí nghiên cứu khoa học chưa linh hoạt, việc sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học có trường chưa đúng mục đích sử dụng. Và cần một số giải pháp như sau: Phổ biến, quảng bá hoạt động đánh giá hoạt động KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN trong các trường đại học nói riêng để nâng cao hiểu biết và văn hóa đánh giá trong cộng đồng KH&CN; Việc đánh giá hoạt động KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN trong các trường đại học nói riêng cần thực hiện trong phạm vi toàn quốc; Cần xây dựng một lộ trình đánh giá để tiến tới mọi tổ chức khoa học công nghệ, mọi trường đại học đều được đánh giá định kỳ; Đánh giá hoạt động KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN trong các trường đại học nói riêng cần dựa tiêu chuẩn đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội thảo, GS. TS Mu Rongping, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã có bản tham luận về kinh nghiệm triển khai hoạt động giám sát, đánh giá tại các tổ chức nghiên cứu phát triển, các tổ chức thuộc đơn vị quản lý nhà nước… tại Trung Quốc. Đồng thời, nêu ra một số đề xuất để hoạt động giám sát, đánh giá tại Việt Nam có thể triển khai có hiệu quả.