ISO 9001:2026 - phiên bản mới nhất, cải tiến để bắt kịp xu thế phát triển
14/04/2025
5 Lượt xem
Tiêu chuẩn ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng do Ủy ban Kỹ thuật ISO/TC 176 của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) phát triển, là tiêu chuẩn hệ thống quản lý được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Tiêu chuẩn được áp dụng cho việc thiết lập và cải tiến thường xuyên hệ thống quản lý chất lượng tại các tổ chức, doanh nghiệp không phân biệt loại hình, quy mô hay sản phẩm, dịch vụ cung cấp.
Được ban hành lần đầu vào năm 1987, tiêu chuẩn hiện tại ISO 9001:2015 là phiên bản lần thứ 5. Tính đến cuối năm 2023, toàn thế giới có trên 1.471.685 chứng chỉ ISO 9001 đã được cấp.
ISO 9001:2026 phiên bản mới có nhiều điểm thay đổi đáng kể nhằm đáp ứng xu thế phát triển chung của thế giới
Nhìn chung phiên bản mới của tiêu chuẩn ISO 9001 sẽ giữ nguyên các giá trị cốt lõi, như: duy trì nguyên tắc quản lý chất lượng, cách tiếp cận quá trình theo chu trình PDCA (Plan- Do- Check- Action) và tư duy dựa trên rủi ro, thay vào đó, tiêu chuẩn phiên bản mới sẽ thay đổi Cấu trúc cấp cao (HLS) hiện tại thành Cấu trúc hài hòa (HS) như đã thực hiện trong bản cập nhật ISO/IEC 27001:2022 gần đây. Cụ thể:
Thay đổi tiêu đề của tiêu chuẩn: Tiêu đề “Hệ thống quản lý chất lượng — Các yêu cầu” hiện tại được chuyển thành “Hệ thống quản lý chất lượng — Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng”.
Bổ sung yêu cầu về "đạo đức và liêm chính": Bổ sung yêu cầu về đạo đức và liêm chính trong thực hành của lãnh đạo doanh nghiệp và khuyến khích thúc đẩy các nguyên tắc này trong toàn bộ doanh nghiệp.
Trong lần sửa đổi này, còn bổ sung thêm yêu cầu về "sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị và văn hóa chất lượng". Mặc dù trước đó, tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO đã ban hành tiêu chuẩn ISO 10010:2022 Hướng dẫn để hiểu, đánh giá và cải tiến văn hóa chất lượng của doanh nghiệp, tuy nhiên, trong bản tiêu chuẩn ISO 9001, vấn đề này sẽ được đề cập đến ở một khía cạnh bao quát hơn, giúp doanh nghiệp vạch ra tầm nhìn, giá trị cũng như tạo động lực cho việc xây dựng và duy trì chất lượng.
Một điểm quan trọng nhất trong bản sửa đổi lần này, tiêu chuẩn ISO 9001sẽ làm rõ thêm yêu cầu và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các vấn đề về biến đổi khí hậu. Một trong những vấn đề đang được nhiều quốc gia quan tâm, yêu cầu doanh nghiệp phải hướng đến phát triển xanh và bền vững.
Mặt khác, trong thời đại ngày nay, khoa học công nghệ đóng vai trò to lớn, mọi khía cạnh, lĩnh vực đều cần được áp dụng công nghệ, điều này vừa đem lại cơ hội phát triển nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp, và ISO 9001 phiên bản năm 2026 sẽ bổ sung các yếu tố của công nghiệp 4.0: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big data) không gian ảo (metaverse), thực tế ảo (VR), chatbot… để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của sự phát triển ngày nay.
Hơn thể, phiên bản mới của ISO 9001 không còn yêu cầu giữ lại thông tin bằng văn bản, mà nhấn mạnh vào khả năng sẵn có của các thông tin này. Thông tin được xây dựng và dùng làm tài liệu cần phải đảm bảo sẵn có, được ghi lại để làm bằng chứng cần sẵn sàng làm chứng cứ khi cần thiết. Bản sửa đổi nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các tổ chức thuộc nhiều loại hình khác nhau trong quá trình triển khai áp dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.
Cuối cùng, tiêu chuẩn ISO 9001 phiên bản mới sẽ không còn hoạt động độc lập nhiều như trước, thay vào đó, là sự kết nối, tương thích với các tiêu chuẩn khác như ISO 14001, ISO 45001nhằm tăng tính liên kết giữa các tiêu chuẩn trong mọi lĩnh vực khác nhau.
Được biết, ISO 9001 phiên bản mới sẽ được ban hành trong năm tới. Tổ chức, doanh nghiệp đã chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 sẽ có thời hạn 3 năm để chuyển đổi chứng nhận sang tiêu chuẩn mới. Sau tháng 9/2029, chứng nhận theo ISO 9001:2015 sẽ không còn hiệu lực.
Hiện nay, dự thảo tiêu chuẩn ISO 9001 vẫn đang trong quá trình phát triển và sẽ tiếp tục được điều chỉnh nhiều lần trước khi chính thức ban hành.